Khắc phục sạt lở ở bán đảo Sơn Trà

.

Hiện nay, các điểm sạt lở ở bán đảo Sơn Trà cơ bản đã được khắc phục. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, cơ quan chức năng tiếp tục khuyến cáo người dân không nên lưu thông trên các tuyến đường lên bán đảo trong những ngày mưa lớn.

Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng khắc phục điểm sạt lở trên tuyến đường Hoàng Sa lên khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula. Ảnh: HUỲNH LÊ
Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng khắc phục điểm sạt lở trên tuyến đường Hoàng Sa lên khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula. Ảnh: HUỲNH LÊ

Thời gian qua, mưa lớn kéo dài khiến tại bán đảo Sơn Trà xuất hiện những điểm sạt lở, đất đá tràn xuống lòng đường, một số đoạn taluy âm và taluy dương hư hỏng. Đặc biệt, có khá nhiều vị trí hút nước mưa chảy mạnh tạo hàm ếch, hình thành những chiếc bẫy giao thông trên đường. Theo quan sát của chúng tôi, những điểm sạt lở chủ yếu nằm ở tuyến đường Hoàng Sa lên khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula, khu vực Hố Sâu từ đường Yết Kiêu lên Bảo tàng Đồng Đình, khu vực bãi Nam, đồi Vọng Cảnh...

Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng được Sở Giao thông vận tải giao quản lý 2 tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà. Cụ thể, tuyến từ đoạn Hoàng Sa (giao Lê Văn Lương, phường Thọ Quang) đến khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula dài 8.850m, được nâng cấp, cải tạo, bàn giao khai thác vào các năm 2008 và 2016; tuyến đường từ nút giao đường Yết Kiêu đi đỉnh Bàn Cờ, đoạn từ Trạm phát sóng DRT đến với đỉnh Bàn Cờ được cải tạo, nâng cấp, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng vào các năm 2008, 2010. Đây là các tuyến đường nằm trong khu vực thường xuyên chịu tác động của yếu tố thời tiết bất lợi như mưa, bão, nước từ những con suối lớn tràn xuống dễ gây hư hỏng, sạt lở.

Ông Trần Từ Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng cho biết, những tuyến đường do công ty quản lý tại bán đảo Sơn Trà có độ dốc lớn nên thường xuyên phát sinh hư hỏng do thiên tai như: sạt lở taluy dương, taluy âm, hư hỏng rãnh dọc, ngã đổ cây cối, hư hệ thống biển báo an toàn giao thông, chiếu sáng, điện, hệ thống mạng thông tin, ống dẫn nước...

Từ đầu mùa mưa đến nay, đơn vị thường xuyên khảo sát, gia cố các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Đơn cử mới đây, tại tuyến đường Hoàng Sa, qua khảo sát phát hiện hư hỏng mương thoát nước dài 10m tại trụ chiếu sáng 58 Hoàng Sa; tại trụ chiếu sáng 49 xảy ra sạt lở đất. Với những điểm này, đơn vị đã đắp cát bù lún dày 50cm, cấp phối đá dăm đệm dày 10cm, bê-tông đá 1x2 M200 dày 12cm. Tại Km1+100 đoạn từ trạm phát sóng DRT - hướng đường Yết Kiêu lên đỉnh Bàn Cờ, sạt lở taluy dương khiến một lượng đất đá tràn xuống đường. Ngoài ra, ở khu vực cống thoát nước nằm trên đường Hoàng Sa cũ (đoạn ra bãi Nam), qua khảo sát phát hiện tình trạng sạt lở, có nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu nền đường nên tạm thời gia cố bằng bao tải cát, đắp chồng vào vị trí sạt dài 14,5m, rộng 1,4+0,5, cao 2m. Theo ông Trần Từ Hải, đây chỉ là biện pháp tạm thời để giữ cốt nền, bảo đảm giao thông trong thời điểm hiện nay. Về lâu dài, đơn vị sẽ lập hồ sơ, mời đơn vị tư vấn đến khảo sát, thiết kế, sửa chữa phù hợp.

Ông Võ Thành Được, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng cho biết, đối với khu vực bán đảo Sơn Trà, đơn vị thường xuyên tuần tra, phát hiện kịp thời các điểm có nguy cơ sạt lở để có biện pháp phòng tránh, xử lý; thường xuyên vét rãnh, khơi thông, dẫn dòng, phát quang cây cối bảo đảm thoát nước tốt trước, trong và ngay trong thời điểm mưa bão. Đơn vị cũng chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị máy móc (rọ đá, bao tải cát, xe đào, xe vận chuyển) để khắc phục kịp thời khi có sự cố. “Những năm gần đây, các tuyến đường do đơn vị quản lý chưa phát sinh hư hỏng lớn dẫn đến tắc đường, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Hệ thống cảnh báo, bảo đảm an toàn giao thông cũng được Sở Giao thông vận tải đặc biệt lưu ý, trên các tuyến luôn đầy đủ hệ thống hộ lan, tương chắn, sơn kẻ vạch, biển báo, gương cầu lồi, cọc su mềm. Mọi hư hỏng phát sinh trên các tuyến đường đều được đơn vị xử lý nhanh chóng, bảo đảm an toàn giao thông không quá 24 giờ sau khi phát hiện”, ông Được nói.

Trong tình hình thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, nguy cơ sạt lở tại bán đảo Sơn Trà khá lớn. Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã đặt rào chắn, bảng khuyến cáo tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở, đồng thời đề nghị người dân không nên di chuyển lên bán đảo Sơn Trà vào mùa mưa.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.