Cần bảo đảm vệ sinh môi trường khi trồng rau màu trên các lô đất trống

.

Việc tận dụng các lô đất trống để trồng rau phần nào giải quyết bài toán an sinh xã hội, giúp người nông dân đô thị ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nhiều hộ tưới bánh dầu hoặc sử dụng phân gà, phân heo gây mùi hôi, thu hút ruồi muỗi, côn trùng bay tới, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cư dân.

Ông Nguyễn Hải chăm sóc vườn rau tại khu đất trống ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà.  Ảnh: MAI HY
Ông Nguyễn Hải chăm sóc vườn rau tại khu đất trống ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: MAI HY

Mỗi tháng, gia đình ông Nguyễn Hải (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) có thể thu nhập 3-5 triệu đồng nhờ việc thu hoạch rau cải mầm. Đây là mức thu nhập ổn định giúp gia đình trang trải cuộc sống. Ông Hải cho biết, ông trồng rau ở khu đất trống tại đoạn đường Trần Thánh Tông hơn 5 năm qua. Nơi này trước đây là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, do không người quản lý nên trở thành điểm tập kết rác thải tự phát, gây mất mỹ quan đô thị.

Nhận thấy nguồn lợi kinh tế từ việc trồng rau cải mầm, ông Hải đã tận dụng và cải tạo những lô đất này thành khu vực trồng rau. “Đối với những lô đất bỏ trống như thế này thì chủ có thể đến lấy lại bất cứ lúc nào. Do vậy, tôi chọn giống cây ngắn ngày như cải mầm, chỉ 5-7 ngày là mang đi bán”, ông Hải nói.

Cách đó không xa, chị Huỳnh Thị Mến (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cũng chọn rau cải mầm để chăm sóc. Chị Mến cho biết, để cây rau có chất lượng tốt, chị sử dụng các loại phân hữu cơ như phân chuồng giúp tăng độ màu mỡ, phì nhiêu cho đất. Còn tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), trên mảnh đất trống khoảng 400m2, gia đình bà Trịnh Thị Hưng đã tận dụng để trồng các loại rau húng, xà lách, hành, ngò... Theo bà Hưng, đây là những loại rau ngắn ngày, dễ trồng và được nhiều người ưa chuộng.
Trực tiếp mua rau tại vườn bà Hưng, bà Huỳnh Thị Hai (trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho biết: “Tôi thấy việc tận dụng đất trống để trồng rau rất hữu ích. Điều này không chỉ hạn chế ô nhiễm môi trường mà còn góp phần làm xanh, sạch, đẹp diện mạo thành phố, cung cấp nguồn rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng”.

Có thể nói, tổ chức trồng rau màu tại các lô đất trống là giải pháp an sinh xã hội tốt cho người nông dân đô thị. Tuy nhiên, việc sử dụng phân hữu cơ như phân chuồng, phân gà, phân heo, bánh dầu gây mùi hôi, thu hút ruồi muỗi, côn trùng bay tới khiến không ít người dân trong khu vực bức xúc, phản ánh đến cơ quan chức năng; trong đó, Báo Đà Nẵng đã nhận được nhiều phản ánh về tình trạng này.

Đơn cử, thời gian qua, tại lô đất trống ngay khu vực ngã ba tuyến đường Bàu Gia Thượng 1 và Bàu Gia Thượng 3 được bà T.T.Đ (tổ 51, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) tận dụng trồng rau. Trong quá trình chăm sóc, bà Đ. sử dụng phân bò tươi tưới rau khiến người dân sống gần đó bức xúc, gửi nội dung phản ánh đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Trước thực tế trên, ông Nguyễn Phước Sơn, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông đã chỉ đạo cán bộ môi trường, Tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường phối hợp với tổ dân phố tuyên truyền, yêu cầu người dân trong quá trình trồng rau cần bảo đảm vệ sinh môi trường, không được tưới phân tươi gây ô nhiễm. Đối với hộ bà Đ., UBND phường Hòa Thọ Đông yêu cầu tổ dân phố 51 thường xuyên giám sát, nhắc nhở, yêu cầu bà Đ. không để các vật chứa nước không dùng đến, tránh việc phát sinh lăng quăng, bọ gậy.

Tương tự, bà N.T.T.H (trú tổ 61, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, một số hộ sản xuất hoa màu trên địa bàn thường xuyên sử dụng phân chuồng gây ra mùi hôi, phát sinh ruồi nhặng. Chưa kể, trong quá trình canh tác, họ còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 20-22 giờ, khi gặp gió tạt vào nhà dân khiến không ít gia đình không dám mở cửa. Mỗi năm, UBND phường Mỹ An đều tổ chức tuyên truyền các hộ nông dân sản xuất hoa màu trên địa bàn ký cam kết bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, sản xuất rau đúng quy trình VietGAP (các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục Nhà nước cho phép. Dù vậy, bà T.H cho rằng, việc sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý hoặc chưa hoai mục kỹ đã phát sinh mùi hôi, côn trùng.

Cũng tại phường Mỹ An, người dân sống dọc các tuyến đường An Dương Vương, Chương Dương, Hàm Tử, Nguyễn Tư Giản, Mỹ An 7… khá bức xúc trước tình trạng ruồi muỗi xuất hiện ngày càng nhiều mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc trồng rau màu của hàng chục hộ dân tại các lô đất trống.

Ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ, việc tận dụng các lô đất trống để trồng rau phần nào giải quyết được bài toán an sinh xã hội, giúp người nông dân ổn định kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất cũng phát sinh một số hệ lụy như có mùi hôi, côn trùng từ việc tự sản xuất phân hữu cơ số lượng lớn mà chưa che chắn cẩn thận. Theo ông Thọ, trong năm 2020, toàn quận có 525 hộ đạt “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, duy trì hoạt động của 4 CLB  “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” tại các phường trực thuộc và 162 ha diện tích trồng rau màu. Đây là cơ sở tốt để địa phương tiếp tục công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tư duy trồng rau giữa đô thị cho người nông dân.

H.LÊ - MAI HY

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích