Báo Đà Nẵng nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Tình (57 tuổi, trú thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) phản ánh về việc ông là thân nhân, đang thờ cúng Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) và liệt sĩ nhưng quá trình giải tỏa, thu hồi đất không được bố trí đất tái định cư (TĐC) để xây dựng nhà thờ.
Ông Nguyễn Văn Tình bên bàn thờ Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Diện tại nhà riêng của mình. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Trong đơn, ông Tình cho biết, cô ruột của ông là bà Nguyễn Thị Diện có một người con trai duy nhất là liệt sĩ Trần Vĩnh Thống đã hy sinh ở chiến trường Quảng Ngãi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1976, bà Diện được em trai ruột là ông Nguyễn Kế dựng một căn nhà trên mảnh đất mà ông đã canh tác trước ngày giải phóng (khu này hiện nay là Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Phong - PV) để ở và thờ cúng liệt sĩ Trần Vĩnh Thống. Năm 1990, bà Diện mất, gia đình ông Nguyễn Kế vẫn tu sửa nhà cửa và hương khói hằng năm.
Năm 2009, UBND thành phố thu hồi đất, giao đất cho UBND huyện Hòa Vang xây dựng công viên Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Phong. Gia đình ông Tình bị thu hồi 573m2 đất (loại đất ở nông thôn) và được thông báo chi trả số tiền đền bù (đất ở, cây cối hoa màu, nhà cửa, vật kiến trúc) hơn 46 triệu đồng, nhưng không được bố trí TĐC. “Gia đình chúng tôi nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền địa phương bố trí đất để có nơi làm nhà thờ liệt sĩ và thờ cúng Mẹ VNAH nhưng đều không được giải quyết”, ông Tình trình bày.
Đại diện UBND xã Hòa Phong cho biết, năm 2009, khi quy hoạch công viên Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Phong ở vị trí hiện nay, có 3 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có ngôi nhà của bà Diện. Ngôi nhà này lúc đó là nhà tạm, không có người ở vì bà Diện có con trai duy nhất hy sinh là liệt sĩ Trần Vĩnh Thống. Theo thông tin từ cán bộ địa chính xã Hòa Phong, diện tích đất nhà ở của bà Diện là đất hoang do xã quản lý, không có ai đăng ký quyền sử dụng đất.
Cũng theo đại diện UBND xã Hòa Phong, các cuộc họp năm 2009 giữa UBND xã và đại diện gia đình nêu rõ: Do bà Diện có 1 người thân duy nhất là liệt sĩ, ngoài ra không còn thân nhân nào nên không thể bố trí TĐC cho ông Tình. Nếu gia đình ông Tình muốn xây dựng nhà thờ thì viết đơn xin hỗ trợ để mua đất xây dựng hoặc giao cho gia đình tự tìm địa điểm khu đất nào chưa bố trí cho dân thì báo với UBND xã để giải quyết và không thu tiền mặt bằng để làm nhà thờ nhưng tới nay gia đình chưa tìm ra đất.
Công văn số 996/SLĐTBXH-TTr ngày 9-4-2021 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) thành phố Đà Nẵng trả lời đơn của ông Tình xác định bà Nguyễn Thị Diện là mẹ của liệt sĩ Trần Vĩnh Thống. Bà Diện là Bà mẹ VNAH, đã mất năm 1990. Hiện nay, bà Lê Thị Hương (mẹ ruột của ông Tình) đang thờ cúng bà Diện. Còn bà Tân Thị Phát (em con chú bác ruột của liệt sĩ) đang đảm nhiệm việc giữ bằng Tổ quốc ghi công và thờ cúng liệt sĩ Trần Vĩnh Thống tại xã Hòa Phong. “Ông Tình không phải là thân nhân (thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ)... Ông Tình không thuộc diện đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng”, Công văn 996 nêu.
Ngoài ra, theo Sở LĐ,TB&XH, căn cứ Điều 118, Luật Đất đai năm 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014), trường hợp gia đình người có công cách mạng thuộc đối tượng giao đất phải thông qua hình thức đấu giá để nhận quyền sử dụng đất. UBND thành phố đã có văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Đà Nẵng lập thủ tục giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất cho người có công với cách mạng nhằm tạo điều kiện cho họ có nơi ở ổn định.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính hướng dẫn UBND thành phố về việc giao đất ở cho người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở theo quy định. “Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã nhận được văn bản trả lời của 2 Bộ nêu trên với nội dung: Việc giao đất ở cho người có công với cách mạng phải thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Do vậy, UBND thành phố không có cơ sở pháp lý để giao đất theo chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng”, Công văn 996 nêu rõ.
Mới đây, ông Tình tiếp tục có đơn gửi tới cơ quan chức năng và Ban tiếp công dân huyện Hòa Vang. Ngày 23-4, Ban tiếp công dân huyện Hòa Vang chuyển đơn của ông Tình đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì, phối hợp với Phòng LĐ,TB&XH huyện, UBND xã Hòa Phong kiểm tra, xác minh, báo cáo đề xuất UBND huyện xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị, trả lời đơn cho công dân.
ĐẮC MẠNH