Một số tỉnh, thành quy định công tác phòng chống dịch đối với người về từ Đà Nẵng

.

ĐNO - Để bảo đảm công tác phòng dịch, nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu người dân trở về từ thành phố Đà Nẵng phải thực hiện cách ly y tế 21 ngày. Đơn cử, tỉnh Quảng Nam yêu cầu người về từ Đà Nẵng cách ly tập trung ít nhất 7 ngày và tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo…

gfgfhg
Với hệ thống quản lý khai báo y tế qua QR Code, người dân Quảng Nam, Đà Nẵng chỉ cần khai báo y tế 1 lần khi qua lại hai địa phương. Ảnh: H.L

Triển khai chặt chẽ các biện pháp

Với tinh thần “không ngăn sông, cấm chợ”, những người ngoại tỉnh đang ở Đà Nẵng (không thuộc diện cách ly tập trung) có thể rời Đà Nẵng bằng phương tiện cá nhân, chấp hành khai báo y tế và tự cách ly tập trung/tại nhà theo quy định của địa phương nơi tiếp nhận. Một số tỉnh, thành phố cũng ra quy định đối với người trở về từ Đà Nẵng để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đơn cử, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu người về từ Đà Nẵng (kể cả người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19, người có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2), phải thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày và tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Trường hợp người từ Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam vì lý do đặc biệt, sẽ được xem xét, giải quyết phù hợp. Người từ tỉnh Quảng Nam ra Đà Nẵng chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện được giải quyết qua chốt, quy định không quay về quá 2 lần/tuần. Đối với trường hợp bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện ở lại Đà Nẵng, có giấy xác nhận của UBND cấp phường/xã nơi lưu trú, bệnh viện nơi điều trị sẽ được giải quyết cho đi/về hằng ngày.

Để tạo thuận lợi cho người dân Quảng Nam, Đà Nẵng qua lại giữa hai địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng vừa triển khai hệ thống quản lý khai báo y tế và kiểm soát vào, ra qua QR Code. Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, đơn vị đã lắp đặt 9 máy chủ tại Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng nhằm triển khai ứng dụng, xây dựng và cài đặt các phân hệ phục vụ người dân khai báo y tế, phục vụ các cơ quan, đơn vị kiểm soát ra/vào, phân hệ quản lý phục vụ phân tích dữ liệu liên quan công tác phòng, chống dịch theo hướng chủ động. Theo ông Thanh, với hệ thống này, người dân Quảng Nam và Đà Nẵng chỉ cần khai báo y tế 1 lần khi qua hai địa phương.

Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế cũng triển khai chặt chẽ các biện pháp phòng dịch, giám sát công dân từ Đà Nẵng về tỉnh này. Cụ thể, F1 phải cách ly y tế tập trung 21 ngày, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; cách ly y tế 14 ngày tại nhà/nơi lưu trú đối với F2. Việc cách ly y tế tại nhà phải bảo đảm điều kiện sinh hoạt, không gian, phòng ở, quy trình giám sát y tế và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Quy trình đưa người hoàn thành cách ly về địa phương

Trước thực tế không ít người sau khi hoàn thành cách ly tập trung vẫn ghi nhận nhiễm SARS-CoV-2, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung theo Công văn số 425 ngày 19-1-2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19. Theo đó, đơn vị quản lý nơi cách ly tập trung phải hướng dẫn cụ thể cho người đã hoàn thành cách ly tập trung tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày tại nhà/nơi lưu trú (kể từ ngày có quyết định hoàn thành cách ly). Hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế đến nơi đông người, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K trong phòng dịch.

Đối với người hoàn thành cách ly tập trung tại Đà Nẵng, Sở Y tế có văn bản thông báo danh sách cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố nơi người hoàn thành cách ly về lưu trú, thông báo đến các đơn vị liên quan biết để tiếp tục quản lý, giám sát, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Người hoàn thành cách ly có trách nhiệm khai báo với bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố nơi về lưu trú; viết cam kết thực hiện việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú; chủ động thông báo tình trạng sức khỏe cho y tế địa phương, đồng thời ghi lại nhật ký tiếp xúc gần cho đến khi hết 14 ngày tiếp theo.

Sở Y tế tỉnh, thành phố tiếp nhận người trở về từ khu cách ly tập trung có kế hoạch quản lý, kiểm tra, theo dõi y tế trong thời gian 14 ngày. Trường hợp người hoàn thành cách ly có biểu hiện sốt, ho, khó thở, đau họng…, cần điện thoại đến cơ quan y tế để được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Ngoài ra, người hoàn thành cách ly tập trung tại Đà Nẵng muốn trở về quê, cần đăng ký với đơn vị quản lý khu cách ly tập trung để có hướng dẫn cụ thể. Được biết, UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và các đơn vị có biện pháp bố trí phương tiện, đưa người ngoại tỉnh đã hoàn thành cách ly y tế về lại địa phương. Quá trình di chuyển thực hiện đúng theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, như đeo khẩu trang thường xuyên; cài đặt và mở ứng dụng truy vết (Bluezone); hạn chế tiếp xúc gần trong phạm vi 2m với người khác; hạn chế dừng, đỗ để ăn uống dọc đường và áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân.

Từ ngày 6-7-2021, Đà Nẵng yêu cầu người dân về thành phố từ các tỉnh, thành phố có dịch phải cách ly y tế tập trung 21 ngày, tự trả phí, bao gồm chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng thiết lập bản đồ hiển thị 42 tỉnh, thành phố có dịch, bao gồm: Bắc Kạn, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang.

Người dân về từ vùng được khoanh màu cam trên bản đồ, bắt buộc cách ly y tế tập trung 21 ngày, lấy mẫu theo quy định; người dân về từ vùng khoanh màu xanh, thực hiện cách ly y tế tại nhà, lấy mẫu theo quy định. Người dân có nhu cầu vào địa chỉ tra cứu bit.ly/vungdich để nắm thông tin.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.