Tiêu chí mới xác định ca nghi mắc Covid-19

.

Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30-7-2021 (Quyết định 3638) của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19” thay đổi một số tiêu chí xác định ca nghi mắc Covid-19.

Bộ Y tế yêu cầu các tổ Covid-19 cộng đồng tăng cường vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống dịch.  Trong ảnh: Thành viên tổ Covid-19 cộng đồng trên địa bàn quận Liên Chiểu tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh: H.L
Bộ Y tế yêu cầu các tổ Covid-19 cộng đồng tăng cường vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống dịch. TRONG ẢNH: Thành viên tổ Covid-19 cộng đồng trên địa bàn quận Liên Chiểu tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh: H.L

Đơn cử, ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sốt, ho, đau họng, mất khứu giác, hoặc xét nghiệm sàng lọc dương tính SARS-CoV-2 mà không cần điều kiện tiếp xúc F0 hay tiền sử dịch tễ.

Ít nhất 2 biểu hiện xác định ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19

Trong mục “Hướng dẫn giám sát” tại Quyết định 3638, Bộ Y tế nêu rõ: Ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát) là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác; hoặc người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với SARS-CoV-2.

Ca bệnh xác định (F0) là người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 qua phát hiện vật liệu di truyền của virus được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Người tiếp xúc gần (F1) là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí hoặc cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0, cụ thể như sau:

Đối với F0 có triệu chứng, trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của F0 cho đến khi F0 được cách ly y tế. Thời điểm khởi phát của ca bệnh được tính là ngày đầu tiên có triệu chứng bất thường về sức khỏe mà bệnh nhân cảm nhận được, như mệt mỏi, chán ăn, đau người, gai người ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác, sốt, ho, đau họng...

Với F0 không có triệu chứng, đã xác định nguồn lây, thì F1 là người tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây cho đến khi F0 được cách ly y tế. Với F0 không có triệu chứng, chưa xác định nguồn lây, thì F1 là người tiếp xúc gần với F0 trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng quy định rõ, tổ chức cách ly ngay tất cả người tiếp xúc gần (F1) tại cơ sở cách ly tập trung ít nhất 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Tốt nhất nên thiết lập cơ sở cách ly tập trung dành riêng cho F1, đồng thời bố trí, sắp xếp người cách ly vào phòng cách ly theo nguyên tắc phân loại theo nguy cơ: những người có cùng đặc điểm dịch tễ, cùng nguy cơ, cùng thời gian thì vào cùng phòng/cùng khu cách ly. Trong trường hợp F1 quá nhiều, vượt khả năng tổ chức cách ly tập trung hoặc các trường hợp đặc biệt khác (người già, người hạn chế vận động, trẻ nhỏ, người bị bệnh hoặc sức khỏe yếu cần phải có người chăm sóc…), thì xem xét áp dụng hình thức cách ly F1 tại nơi lưu trú 14 ngày theo hướng dẫn.

Tăng cường vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng

Tại Quyết định 3638, Bộ Y tế tiếp tục phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch. Mỗi tổ Covid-19 cộng đồng gồm 2-3 người là cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 30-50 hộ gia đình. Tổ có nhiệm vụ hằng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân về các biện pháp phòng chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt hằng ngày; cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện sốt, ho, ốm hoặc các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Bộ Y tế đề nghị các tổ Covid-19 cộng đồng cần hoạt động mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn nữa, như chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ tại hộ gia đình; hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến phường/xã những trường hợp nghi mắc Covid-19; phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, người nhập cảnh trái phép, người đi từ vùng dịch về; trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan ở địa bàn phụ trách.

Để phòng, chống lây nhiễm, các thành viên trong tổ Covid-19 cộng đồng khi làm nhiệm vụ phải đeo khẩu trang, sử dụng nước sát trùng tay, tấm che mặt (nếu có). Trong quá trình làm nhiệm vụ, tổ Covid-19 cộng đồng không được vào bên trong nhà dân. Chỉ gõ cửa, đứng ngoài nhà yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét. Ngoài ra, tổ Covid-19 cộng đồng nên thành lập nhóm zalo các hộ gia đình mình phụ trách để thuận tiện việc liên hệ và báo cáo hằng ngày.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.