Cần thông tin rõ nguồn gốc thịt heo

.

ĐNO - Trước những lo ngại về dịch tả heo châu Phi, cả người tiêu dùng, người bán và người chăn nuôi đều mong cơ quan chức năng thông tin rõ nguồn gốc thịt heo ở các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để người dân yên tâm buôn bán và tiêu thụ. Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến người dân về vấn đề này.

* Chị Phan Thị Cúc, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên ChiểuÁp dụng biện pháp chăn nuôi khoa học, bảo vệ đàn heo trước nguy cơ dịch bệnh

Chị Cúc bảo vệ đàn heo trước nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: T.Y
Chị Cúc bảo vệ đàn heo trước nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: T.Y

Hiện nay, một số địa phương ở Quảng Nam bắt đầu xuất hiện dịch tả heo châu Phi (hay còn gọi bệnh heo tai xanh - PV), điều này khiến tôi khá lo lắng cho đàn heo của mình. Để tránh dịch bệnh xâm nhập, tôi tăng cường vệ sinh chuồng trại, sát trùng bằng vôi bột, cũng như quan sát nước bọt, phân, nước tiểu, màu da và dịch tiết từ miệng heo… Ngoài ra, tôi trộn thêm một số chế phẩm sinh học, vitamin C vào thức ăn, dùng thức ăn nấu chín.

Đặc biệt, trong thời gian này, tôi chủ động kết nối với cán bộ thú y để tìm hiểu thêm các phương pháp phòng bệnh, chuẩn bị sẵn kháng sinh điều trị cho heo như penicillin, tetracycline, trimethoprim... Lợi thế của tôi là có khu vực vườn rừng, nguồn thức ăn chăn nuôi luôn có sẵn, không quá phụ thuộc vào bên ngoài. Tôi nghĩ, nếu mình làm kỹ các khâu này ngay từ đầu sẽ giúp đàn heo tránh được nguy cơ dịch bệnh. Ngoài ra, tôi cũng chủ động bán nguồn heo thịt khi chúng đạt từ 50-70kg trở lên và vệ sinh chuồng trại trước khi gầy lại đàn mới. Đây là cách giảm thiểu các rủi ro trong chăn nuôi.

* Bà Phạm Ngọc Thảo, bán thịt heo tại chợ Cồn, quận Hải Châu: Mong cơ quan chức năng kiểm soát, thông tin rõ nguồn gốc heo

Người kinh doanh mong muốn cơ quan chức năng kiểm soát nguồn thịt heo vào chợ để người mua yên tâm. Ảnh: T.T
Người kinh doanh mong muốn cơ quan chức năng kiểm soát nguồn thịt heo vào chợ để người mua yên tâm. Ảnh: T.T

Covid-19 tạm ổn thì dịch heo khiến tiểu thương buôn bán khó khăn. Sau Covid-19, người dân ít chi tiêu hơn đã đành, nay dịch heo phát sinh khiến người dân lo ngại thịt heo không bảo đảm nên ăn ít hơn hoặc chuyển qua ăn thịt bò, gà, cá… Nếu như trước đây mỗi ngày tôi lấy khoảng 5-6 con heo từ lò mổ về bán thì nay chỉ khoảng 2-3 con, giảm rõ rệt. Mặc dù nguồn gốc thịt chúng tôi luôn lấy từ lò mổ Đà Sơn, có kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ.

Vì vậy, tôi mong các cơ quan chức năng kiểm soát chặt nguồn heo bán tại các chợ. Chợ nào lấy ở lò mổ có kiểm định, kiểm dịch chặt chẽ, an toàn, các cơ quan chức năng nên thông tin rõ để người dân biết, tránh tình trạng người dân nghe dịch là lo sợ, e ngại mua thịt heo.

* Bà Nguyễn Thị Bê, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà: Bán chậm hơn nhiều

Thường ngày tôi bán khoảng 35-45kg thịt heo/ngày nhưng mấy hôm nay mặc dù lấy ít lại chỉ còn khoảng 20-25kg/ngày nhưng vẫn bán không hết. Thịt heo tôi lấy tại công ty, có kiểm định, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng người dân vẫn lo ngại, may mà tôi có lượng khách quen nhất định nên cũng đỡ. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, tôi nói rõ với công ty cung cấp thịt rằng tôi chỉ lấy thịt heo ngon về bán, nếu thịt dở tôi trả lại chứ không để mất khách.

* Chị Phạm Thị Mỹ Dung, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu: Hạn chế dùng thịt heo trong bữa ăn

Thịt heo gần như là nguyên liệu chính, quen thuộc trong hầu hết các bữa ăn của gia đình tôi nên khi hay tin dịch tả heo châu Phi tái phát tại Quảng Nam tôi thật sự rất lo ngại. Mấy hôm nay, gia đình tôi hạn chế tối đa sử dụng thịt heo, thay vào đó là luân phiên ăn thịt bò, gà ta trong các bữa cơm gia đình.

Quanh khu tôi ở, mọi người cũng bảo ngại nên mấy nay ít dùng thịt heo lắm, mà nếu dùng cũng chủ yếu mua ở siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch cho an toàn. Mẹ chồng tôi bán thịt heo ở chợ Ba Xã (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) cũng gọi điện tâm sự rằng người dân sợ dịch nên ít mua thịt heo. Bình thường, mỗi ngày bán được khoảng 30kg thịt thì nay chỉ bán khoảng 10kg.

T.YẾN-T.TÌNH-M.HIỀN ghi

;
;
.
.
.
.
.