Bạn đọc
Cần xử lý nghiêm tình trạng bán rong bên ngoài chợ
Gần Tết, nhu cầu mua sắm của người dân và hoạt động kinh doanh, buôn bán gia tăng, kéo theo tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường xung quanh các chợ trên địa bàn thành phố gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị và nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán tái diễn dịp cuối năm. TRONG ẢNH: Một số người dân dọn hàng xuống đường để bán tại khu vực chợ Phú Lộc, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê). (Ảnh chụp sáng 12-1-2022). Ảnh: VĂN HOÀNG |
Hàng rong “bao vây” chợ
Có mặt tại một số tuyến đường xung quanh chợ Phú Lộc như Phan Nhu, Nguyễn Thị Thập… (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) trong sáng 13-1, không khó để bắt gặp tình trạng các hộ hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực này có khá nhiều người buôn bán các loại hải sản, thịt, cá, rau, củ, quả. Tuy nhiên, thay vì bày hàng trên sạp, một số người lại bày biện hàng hóa ngay dưới vỉa hè và tràn xuống đường. Qua tìm hiểu, việc buôn bán tự phát bên ngoài chợ Phú Lộc đã tồn tại nhiều năm qua. Đặc biệt, vào mỗi dịp cận Tết, lượng hàng hóa được nhập về nhiều, một số hộ dân kinh doanh tại các tuyến đường xung quanh chợ tận dụng hết vỉa hè để trưng bày hàng để tiện cho người đi đường dễ dàng nhìn thấy.
Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, bán tràn lan bên ngoài đình chợ cũng xảy ra tại kiệt K54 Lê Hữu Trác, chợ An Hải Đông (quận Sơn Trà). Dọc tuyến đường này, các hộ hàng rong bán nhiều mặt hàng, không khác gì một chợ thu nhỏ. Người đi chợ chỉ cần ngồi trên xe máy, chạy dọc tuyến đường là mua mọi món hàng khiến ngoài chợ thì bát nháo, trong chợ đìu hiu. Bà Nguyễn Thị Huệ, tiểu thương hàng cá bức xúc nói: “Ngoài nớ bán hết rồi, trong ni bán cho ai? Ngồi trong ni ngóng người mua từ sáng tới trưa, ế chi mà ế!”.
Ông Lê Văn Nhật (người dân trú gần chợ An Hải Đông) cũng bày tỏ: “Mặc dù lực lượng quy tắc đô thị của phường đã ra quân kiểm tra, xử lý và nhắc nhở các hộ buôn bán nhưng khi người làm nhiệm vụ rút đi hoặc hết thời gian trực thì người ta lại lấn lòng đường để buôn bán lại tái diễn. Các hộ “đua nhau” bày đồ đạc tràn ra lòng đường, cản trở tầm nhìn giao thông, nhất là mỗi khi chiều tối, người đi đường bấm còi inh ỏi để xin đường, tạo khung cảnh ồn ã, nhốn nháo. Nếu lực lượng chức năng không làm “căng” thì tới Tết, tình trạng này còn phức tạp hơn nữa”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết tại các chợ đều diễn ra tình trạng lấn chiếm, bán buôn bên ngoài chợ. Khi được hỏi, một người bán thịt gà tại tuyến đường Nguyễn Đình Trọng (gần chợ Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho hay, việc di chuyển hàng ra gần mặt đường là để… có nhiều người mua hơn. Bà Võ Thị Vân, tiểu thương quầy hàng rau hành - lagim (chợ Hòa Khánh) chia sẻ, năm nay, do dịch bệnh ảnh hưởng nên người dân mua sắm ít lại. Mặc dù gần Tết nhưng lượng người đi chợ ít, lượng hàng bán ra so với mọi năm giảm nhiều. Bên cạnh đó, nhiều người dân vì sự tiện lợi nên chọn mua hàng tại các quầy hàng rong bên ngoài chợ khiến tiểu thương trong chợ gặp khó khăn.
Cần xử lý triệt để
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Đó là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, thường tái vi phạm khi không có lực lượng chức năng kiểm tra; nhiều tuyến đường không có vỉa hè hoặc vỉa hè rất hẹp, chưa kể thực trạng xuống cấp vỉa hè; chợ truyền thống chưa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân dẫn tới sự xuất hiện chợ tự phát... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng chưa thường xuyên, chưa sâu sát dẫn tới chưa tạo được tính thuyết phục, sự đồng thuận của người dân; công tác kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm chưa thường xuyên, liên tục, thiếu kiên quyết…
Ông Phạm Quang Việt, Trưởng bộ phận phụ trách chợ Hòa Khánh (thuộc Ban quản lý chợ quận Liên Chiểu) thông tin, những năm trước, các tuyến đường xung quanh chợ luôn được coi là “điểm nóng” về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán, họp chợ. Qua đó, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông cũng như mỹ quan đô thị. Được biết, từ đầu năm 2021 đến nay, ban quản lý chợ thường xuyên ra quân kiểm tra, phối hợp các lực lượng quy tắc đô thị quận kiên quyết xử lý những trường hợp sai phạm nhiều lần, nhờ vậy, khu vực này trong năm qua tương đối ổn định, dần đi vào trật tự.
Cũng theo ông Việt, vào khoảng 15 tháng Chạp, lượng người bán và ghé đến chợ sẽ đông đúc do nhu cầu mua sắm dịp Tết. Ban quản lý chợ đã triển khai các kế hoạch, phối hợp với lực lượng Công an phòng cháy chữa cháy, quy tắc đô thị phường Hòa Khánh Bắc để xử lý các tình trạng trên. Đồng thời, chợ bố trí 2 tổ bảo vệ với khoảng 20 người để ra quân kiểm tra từ 1 giờ sáng đến 10 giờ trưa và 15 giờ đến 20 giờ hằng ngày.
Theo ông Phạm Tấn Thành, Trưởng ban quản lý chợ quận Sơn Trà, việc xử lý hàng rong xung quanh các chợ không thể chỉ dựa vào tổ quản lý chợ. Các quận huyện, phường, xã cần có kế hoạch cụ thể riêng, phù hợp với đặc thù địa phương, địa bàn, khu vực quản lý của mình. Do lực lượng chức năng có hạn, không thể hiện diện ngoài đường 24/24 giờ để kiểm tra, chấn chỉnh địa bàn, vì thế địa phương cần cách làm mới, linh hoạt hơn.
“Chính quyền địa phương phải ra quân quyết liệt, xử lý triệt để các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, mỗi địa phương cũng cần sắp xếp nơi buôn bán hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng một phần nhu cầu mua bán của những đối tượng thu nhập thấp. Để làm tốt những việc này, công tác tuyên truyền, vận động hướng đến lợi ích và sự an toàn của người dân cần được thực hiện trước một bước. Dung hòa các yếu tố: lợi ích, tâm lý, tình cảm trong quá trình quản trị xã hội sẽ góp phần tạo nên hiệu quả cho hoạt động quản lý”, ông Phạm Tấn Thành cho biết thêm.
QUỲNH TRANG - VĂN HOÀNG