Bạn đọc

Chó thả rông gây tai nạn, chủ bị xử lý thế nào?

08:49, 28/04/2022 (GMT+7)

Đối với việc thả rông chó, vật nuôi gây tai nạn cho người dân, chủ sở hữu vật nuôi đó sẽ bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, thậm chí có thể bị xử lý hình sự, tùy theo mức độ.

Nhiều bạn đọc thắc mắc nếu chó, vật nuôi thả rông cắn người thì chủ sẽ bị xử lý như thế nào. Theo luật sư Đỗ Thành Nhân (Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), tùy vào tính chất, mức độ hậu quả xảy ra, chủ vật nuôi có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại về mặt dân sự; hoặc có thể bị xử lý hình sự nếu vi phạm quy định về nuôi, nhốt, để vật nuôi tấn công, lây bệnh, gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác.

Cụ thể, theo Điều 7, Nghị định 144/2021 của Chính phủ về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000 - 500.000 đồng. Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt 1 triệu - 2 triệu đồng.

Ngoài ra, theo khoản 2, Điều 7, Nghị định 90/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (sửa đổi bổ sung tại khoản 3, Điều 2, Nghị định 04/2020 của Chính phủ) chủ vật nuôi có thể bị xử phạt 1 - 2 triệu đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng; không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm. Thẩm quyền xử phạt thuộc UBND và trưởng công an cấp phường, xã.

Theo luật sư Đỗ Thành Nhân, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp vật nuôi thả rông tấn công, lây bệnh hoặc gây tai nạn cho người đi đường thì chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nạn nhân. Cụ thể, Điều 603, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Theo đó, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu. Đây là trách nhiệm bồi thường dân sự cho những thiệt hại về vật chất hoặc sức khỏe do súc vật gây ra.

Luật sư Đỗ Thành Nhân cho biết thêm, trường hợp súc vật gây ra những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người khác thì chủ sở hữu súc vật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ thiệt hại. Cụ thể, nếu súc vật gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60% thì áp dụng Điều 138, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nếu súc vật làm chết người thì chủ của vật nuôi đó sẽ bị áp dụng Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vô ý làm chết người.

Để hạn chế việc vật nuôi thả rông lây bệnh hoặc gây tai nạn giao thông, người chủ cần có ý thức hơn trong việc quản lý vật nuôi, không chăn, thả trâu, bò, chó trên đường giao thông. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

YÊN GIANG

.