Dành lời khen để trẻ tự tin...

.

LTS: Báo Đà Nẵng nhận được nhiều bài viết, ý kiến của bạn đọc về việc làm sao để học sinh không bị áp lực học tập dẫn đến trầm cảm. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ, nhưng vẫn luôn là nỗi lo canh cánh của các bậc cha mẹ. Xin giới thiệu một trong số những bài viết gửi đến báo.

Mấy chục năm đi dạy, điều làm tôi lo sợ nhất là nhận điện thoại của học trò vào giữa đêm khuya. Bao giờ bắt đầu cũng là tiếng gọi “cô ơi” rồi khóc tức tưởi. Có khi tôi nghe lời thú nhận vội vàng: “Con không muốn sống nữa!” rồi buông ống nghe, để lại những âm thanh “tút.. tút…”.

Những lúc như thế, dù buồn ngủ đến mấy, tôi cũng gọi lại và lắng nghe những trái tim non trẻ thổn thức, từ chuyện bị cha mẹ mắng vì điểm kém, không đạt danh hiệu học sinh giỏi đến chuyện tình cảm bị ngăn cấm, hay cha mẹ ly hôn, thậm chí chỉ là việc bị cha mẹ cấm vì chơi quá thân với bạn cùng giới… Có nhiều áp lực từ bên ngoài dội vào trái tim nhỏ bé khiến các em có nguy cơ hoảng loạn. Vì vậy, cũng không khó hiểu khi thỉnh thoảng các phương tiện truyền thông đưa tin em học sinh này, sinh viên nọ tự kết thúc cuộc sống của mình một cách thương tâm.

Nhiều đêm không ngủ, tôi cố hình dung sự cô độc đến tận cùng mà những học trò nhỏ phải đối diện khi cha mẹ thiếu kiến thức tâm lý hay ham công tiếc việc, bỏ mặc trẻ với những vấn đề của riêng mình. Vốn dĩ con người có bản năng ham sống tự nhiên nhưng một khi quyết định kết liễu sự sống của bản thân, hẳn là có vấn đề không ổn về tâm lý. Bởi lẽ, tại sao trong bao nhiêu người trẻ thất vọng về học hành hay tình cảm thì chỉ có một số ít nghĩ tới việc hủy hoại bản thân? Vì vậy, yếu tố bệnh lý phải được tính tới.

Sau này, có dịp tiếp xúc với một số bác sĩ tâm lý, tôi mới ngộ ra rằng, đó là chứng trầm cảm nội sinh. Những ca trầm cảm nặng nhất đều có yếu tố nội sinh rất mạnh ngay từ thơ ấu. Chỉ cần một áp lực tác động tiêu cực từ bên ngoài cuộc sống sẽ khiến chứng trầm cảm nội sinh bùng phát, gây tâm lý hoảng loạn dẫn đến hành động tiêu cực. Đó là lý do cha mẹ nên để ý đến con mình từ những điều nhỏ nhất. Những đứa trẻ thường xuyên u buồn, hạn chế giao tiếp, hay sợ hãi, hoảng loạn, giận dữ bất thường, thậm chí nhốt mình vào một thế giới riêng… đều có thể là biểu hiện của trầm cảm nội sinh.

Hạnh phúc nhất của những người làm nghề gõ đầu trẻ là được phụ huynh và học trò tin yêu. Có thể vì nhiều lý do nào đó, con trẻ không thể mở lòng với gia đình thì thầy cô và bạn bè là những người để trẻ trút những âu lo, phiền muộn. Nhiều học sinh tâm sự rằng luôn có cảm giác là người thừa, là kẻ vô dụng trong mắt gia đình và thầy cô nên có ý nghĩ tìm cách giải thoát tiêu cực nhất với mong muốn mọi người sẽ nhớ đến mình.

Phê phán hay bất cứ lời trách mắng dù nhỏ nào từ cha mẹ đều có thể là “thảm họa” đối với trẻ vốn sẵn ẩn giấu yếu tố trầm cảm. Sự so sánh với chúng bạn bình thường khác cũng gây hậu quả không nhỏ. Với trẻ trầm cảm nội sinh, chỉ một tác động tiêu cực từ bên ngoài sẽ gây ra nỗi đau đớn khôn cùng. Vì vậy, người thân cần hướng đến những việc trẻ yêu thích và có thể làm tốt nhất trong khả năng của mình. Hãy bớt phê phán, trách mắng trẻ, mà thay vào đó là những lời khen để trẻ tự tin…

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.