Bạn đọc
Xưởng gỗ gây ồn chưa di dời
Một số người dân ở khu vực tổ 9 (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) phản ánh về việc cơ sở sản xuất gỗ của hộ ông Trần Ngọc Vượng và bà Nguyễn Thị Minh Hiếu hoạt động sản xuất trong khu dân cư gây ồn. Người dân phản ánh nhiều lần với chính quyền địa phương nhưng cơ sở chưa khắc phục và chưa có kế hoạch di dời khỏi khu dân cư.
Máy móc bên trong cơ sở sản xuất gỗ của hộ bà Nguyễn Thị Minh Hiếu tại tổ 9, phường Hòa Thọ Tây hiện đã dừng hoạt động nhiều ngày qua. (Ảnh chụp trưa 19-5). Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Theo phản ánh của công dân: Xưởng nội thất Nét Vui của hộ ông Trần Ngọc Vượng và bà Nguyễn Thị Minh Hiếu có quy mô 400m2 với khung nhà tiền chế, xây dựng trong khu dân cư tổ 9 phường Hòa Thọ Tây vào năm 2020. Trong quá trình hoạt động, nhà xưởng gây tiếng ồn làm ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ dân lân cận. Người dân có ý kiến từ tháng 11-2020 và phường đã “yêu cầu nhà xưởng dừng hoạt động, có kế hoạch đưa máy móc ra ngoài”, nhưng đến nay xưởng vẫn hoạt động bình thường.
Chúng tôi ghi nhận thực tế trong những ngày qua cho thấy, tại khu vực cơ sở sản xuất gỗ của hộ ông Trần Ngọc Vượng và bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, phía ngoài cơ sở không có bảng hiệu, đang tạm dừng hoạt động. Phía trong cơ sở thi thoảng có 2 nhân viên làm việc nhưng không sử dụng máy móc. Cơ sở nằm trên diện tích đất khoảng 400m2, được dựng bằng khung thép tiền chế, xây tường cao khoảng 2m, quây kín xung quanh bằng tôn, mái lợp tôn. Bên trong cơ sở có một số máy móc, một số lượng gỗ thanh thành phẩm và một ít lượng gỗ ván nằm ở cuối xưởng. Khu vực xung quanh phía trái nhà xưởng này có một số hộ dân, phía bên phải là khu đất trống.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Minh Hiếu - chủ cơ sở cho biết, xưởng hoạt động không liên tục mà chỉ khi nào nhận được đơn hàng mới làm. Trong quá trình hoạt động, xưởng sử dụng máy móc để chế biến gỗ tự nhiên nên khả năng có gây ra tiếng ồn nhỏ. “Chúng tôi cũng ý thức hạn chế tiếng ồn tới mức thấp nhất trong quá trình sản xuất, tránh ảnh hưởng tới người dân. Ngay việc di dời xưởng, chúng tôi cũng đã tìm hiểu các vị trí và tính lộ trình chuyển đi nhưng hiện vẫn chưa tìm được mặt bằng phù hợp”, bà Hiếu nói.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây cho hay, khi có kiến nghị của công dân, UBND phường đã phối hợp với tổ dân phố và Ban công tác Mặt trận khu dân cư kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất gỗ của hộ bà Nguyễn Thị Minh Hiếu. Tại Công văn số 18/UBND-ĐCXD ngày 26-1-2022 của UBND phường Hòa Thọ Tây kết luận: Đề nghị chủ cơ sở có biện pháp khắc phục triệt để tiếng ồn trong quá trình sản xuất; có kế hoạch liên hệ các cơ quan chức năng để được hướng dẫn di dời cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp.
Đầu tháng 4-2022, công dân tiếp tục phản ánh xưởng gỗ này vẫn hoạt động gây ồn. UBND phường Hòa Thọ Tây kiểm tra, lập biên bản. Theo ông Dũng, qua kiểm tra thì thấy phản ánh của người dân là đúng. Tuy nhiên, UBND phường không có đủ chức năng và điều kiện để đo tiếng ồn cũng như tình trạng bụi trong không khí. Vì vậy, UBND phường Hòa Thọ Tây có Công văn số 53/UBND-ĐCXD ngày 14-4-2022 gửi UBND quận Cẩm Lệ, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận đề nghị phối hợp với UBND phường kiểm tra, xử lý việc sản xuất gỗ của cơ sở gây tiếng ồn, gây bụi để giải quyết phản ánh của người dân.
Ngày 19-5, trao đổi với phóng viên, ông Đinh Phạm Công Anh Tuân, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và hộ kinh doanh cá thể trong khu dân cư như xưởng gỗ tại phường Hòa Thọ Tây thuộc hoàn toàn thẩm quyền kiểm tra, xử lý của phường.
Được biết, Công ty TNHH Mỹ thuật ứng dụng Nét Vui của hộ ông Trần Ngọc Vượng và bà Nguyễn Thị Minh Hiếu có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên, mã số doanh nghiệp 0401497614, đăng ký lần đầu ngày 1-6-2012, do Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cấp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định về phân cấp, các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp phường thì UBND phường phải có trách nhiệm làm rõ các kiến nghị của công dân. “Nếu cho rằng phường không đủ điều kiện và thiết bị đo tiếng ồn hoặc bụi, UBND phường trong nhiệm vụ, chức năng của mình có thể gửi văn bản tới các cơ quan chức năng liên quan để trưng tập, đề nghị hỗ trợ về mặt chuyên môn kỹ thuật, phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý. Chi phí lấy mẫu, kiểm định, nếu phía đơn vị bị phản ánh có sai phạm sẽ phải chi trả”, ông Chương nói thêm.
Báo Đà Nẵng sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
ĐẮC MẠNH