Lịch sử không thể là môn học lựa chọn

.

Sau khi đăng các ý kiến về việc môn Lịch sử có thể trở thành môn tự chọn trong chương trình THPT mới, bắt đầu triển khai ở lớp 10 từ năm học 2022-2023, Báo Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử về vấn đề này.

* Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng: Học sinh phổ thông cần tường tận gốc tích nước nhà Việt Nam

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trong những ngày gần đây, người dân rất quan tâm đến câu chuyện dạy, học môn Lịch sử trong trường phổ thông và tỏ thái độ không đồng tình với chủ trương đưa Lịch sử thành môn tự chọn ở bậc THPT, bắt đầu từ lớp 10, năm học 2022-2023. Ngay những người chủ trương đưa Lịch sử thành môn học tự chọn ở bậc THPT cũng-không-xuất-phát từ chỗ coi thường hay xem nhẹ môn Lịch sử mà muốn tất cả học sinh phổ thông biết rõ, tường tận gốc tích nước nhà Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chứ không dừng lại ở việc bắt buộc dạy và học môn Lịch sử.

Theo tôi, từ bậc THCS đến THPT, học sinh có sự trưởng thành về mặt thể chất và nhận thức, chính sự trưởng thành này giúp học sinh tiếp cận/tiếp nhận lịch sử nước nhà chất lượng và hiệu quả hơn. Trong xu hướng giáo dục hiện nay, không nên cho rằng môn Giáo dục địa phương - trong đó có nội dung lịch sử địa phương - bắt buộc học từ lớp 1 đến lớp 12 cũng chính là việc dạy, học lịch sử từ lớp 10. Bởi lẽ, nếu Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc ở bậc THPT thì chúng ta vẫn phải dạy, học môn Giáo dục địa phương đến hết lớp 12. Điều đó cho thấy hai môn học này độc lập và tương hỗ cho nhau, chứ không thể đánh đồng thành một. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo hứa sẽ tiếp thu ý kiến chuyên gia và xin ý kiến cấp có thẩm quyền để điều chỉnh chủ trương cho phù hợp. Tôi mong rằng đấy là thái độ sư phạm nghiêm túc, vì sự nghiệp trăm năm trồng người chứ không phải là cách xoa dịu dư luận nhất thời.

* TS. Dương Quang Hiệp, Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế: Cần đưa Lịch sử trở lại là môn học bắt buộc

Kiến thức lịch sử có giá trị to lớn khi trang bị cho chúng ta những bài học kinh nghiệm trong xây dựng, bảo vệ đất nước thời kỳ hội nhập. Bởi lẽ, muốn phát triển đất nước trong điều kiện hiện nay, phải hiểu sâu sắc các bài học, kinh nghiệm lịch sử và vận dụng chúng vào thực tiễn xây dựng đất nước.

Theo tôi, một dân tộc không thể có những thế hệ mù mờ về lịch sử và lịch sử càng không thể là môn học lựa chọn. Việc được lựa chọn môn học trong giai đoạn phổ thông sẽ khiến học sinh có tâm lý chủ quan, học qua loa trong những năm trước đó. Điều này dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường khi thế hệ trẻ không hiểu rõ về lịch sử đất nước mình. Không hiểu rõ về lịch sử sẽ khó duy trì và tiếp nối truyền thống yêu nước, bản sắc và bản lĩnh quốc gia. Muốn vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá đúng vai trò của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông với tư cách là môn học bắt buộc và cần thay đổi phương pháp dạy học để tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, xem sự hiểu biết lịch sử là cần thiết.

HUỲNH LÊ ghi

;
;
.
.
.
.
.