Liên quan đến nội dung bài viết “Trúng đấu giá nhưng bao giờ nhận được đất?” đăng trên Báo Đà Nẵng số ra ngày 28-6-2022, ngày 7-5, một lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết, tại khoản 1, Điều 40, Luật Công chứng quy định hồ sơ yêu cầu công chứng gồm: phiếu yêu cầu công chứng; bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng; bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
Đồng thời, khoản 8, Điều 40; khoản 3, Điều 41 Luật Công chứng quy định công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
Như vậy, việc kiểm tra, đối chiếu bản chính phải được thực hiện đối với tất cả các giấy tờ có trong hồ sơ công chứng, trường hợp công chứng viên không đối chiếu với bản chính trước khi ký là không bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định. Do vậy, hành vi công chứng khi không kiểm tra, đối chiếu bản chính giấy tờ trong hồ sơ công chứng trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp; hợp tác xã.
Tuy nhiên, hợp đồng đặt cọc được thực hiện trước thời điểm Nghị định số 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 1-9-2020). Do vậy, theo quy định tại khoản 1, Điều 89, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP: “Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp,... xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực, mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý...”; đồng thời Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; Nghị định số 67/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14-8-2015 sửa đổi Nghị định 110/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản, không quy định hành vi vi phạm hành chính đối với trường hợp trên, nên Sở Tư pháp không thể xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này.
Trong một diễn biến khác, đại diện Ngân hàng Seabank - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, hiện ngân hàng đang liên hệ với phòng Công chứng số 2 (Sở Tư pháp) để tìm biện pháp tháo gỡ những vướng mắc do hợp đồng đặt cọc Văn phòng công chứng Trần Văn Hùng ký trước đó. Cũng theo đại diện Ngân hàng Seabank - Chi nhánh Đà Nẵng sau 3 lần hòa giải, phía ngân hàng đã đề nghị Tóa án nhân dân quận Liên Chiểu xét xử để hủy hợp đồng đặt cọc nêu trên.
Trước đó, ngày 17-4-2021, Công ty đấu giá hợp danh số 1 Việt Nam tổ chức phiên đấu giá tài sản là thửa đất số 23, tờ bản đồ 249, diện tích 493,6m2, địa chỉ lô 16-B2-5 khu A, vệt biệt thự Xuân Thiều - Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), theo hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 010401 ngày 4-1-2021 giữa Ngân hàng Seabank - Chi nhánh Đà Nẵng với Công ty đấu giá hợp danh số 1 Việt Nam. Ông Đặng Đình Tuấn (trú huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) trúng đấu giá, với tổng số tiền 11.780.000.000 đồng. Sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Ngân hàng Seabank - Chi nhánh Đà Nẵng, ông Tuấn cùng đại diện ngân hàng đến phòng Công chứng số 2 làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sử dụng đất cho lô đất trúng đấu giá nói trên. Tuy nhiên, ông Tuấn không thực hiện việc sang tên được, do vướng một hợp đồng đặt cọc mà chủ nhân lô đất lập với người khác, sau khi lô đất đã thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng.
PHƯƠNG CHI - NGỌC QUỐC