Xử lý động vật nuôi nhốt dễ hay khó?

.

Lực lượng chức năng yêu cầu các địa phương tăng cường biện pháp xử lý chó thả rông nơi công cộng, không để người dân bức xúc. Tuy nhiên, tình trạng chó không rọ mõm, chạy rông ngoài đường vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trong khi việc bắt giữ, nuôi nhốt, xử lý còn gặp nhiều vướng mắc.

Chó không rọ mõm, thả rông chạy ngoài đường trên địa bàn phường Thạch Thang (quận Hải Châu). Ảnh: ĐẮC MẠNH
Chó không rọ mõm, thả rông chạy ngoài đường trên địa bàn phường Thạch Thang (quận Hải Châu). Ảnh: ĐẮC MẠNH

Theo thống kê của Chi cục Nông nghiệp thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên địa bàn toàn thành phố hiện có khoảng 28.000 con chó, mèo. Trong đó, địa phương nuôi nhiều nhất là phường An Khê (quận Thanh Khê) với 861 con, tiếp đó đến phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) với 850 con.

Tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân

Ông Đặng Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp thành phố cho biết, cả 6 quận nội thành của thành phố đã được Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là “Vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại ở động vật nuôi”. Thành phố đang xây dựng đề án để trình phê duyệt triển khai trên địa bàn huyện Hòa Vang. “Chúng tôi đang đề xuất xin chủ trương của thành phố về xây dựng địa điểm nhốt chó thả rông sau khi bắt giữ”, ông Đặng Ngọc Sơn thông tin.

Phường An Khê (quận Thanh Khê) là địa phương có số lượng chó nhiều nhất với 861 con. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hữu Khanh, Chủ tịch UBND phường An Khê, xác nhận thực trạng chó thả rông gây ảnh hưởng tới môi trường và an toàn giao thông. “Để bắt chó thì phải trang bị dụng cụ và được tập huấn, có “tay nghề” chứ “tay ngang” mà bắt không cẩn thận thì bị chó cắn lại rất nguy hiểm. Chưa kể người dân phản ứng vì hiện chưa có quy định nào cấm nuôi chó. Rồi chó bắt về thì ai trông coi, việc chăm sóc ra sao… Trước mắt, chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tự giác trong việc nuôi nhốt chó. Trường hợp cố tình vi phạm thì kiên quyết xử lý”, ông Khanh nói.

Ông Trần Minh Đức, công chức Địa chính - Môi trường UBND phường Thanh Bình (quận Hải Châu), thành viên tổ bắt giữ chó thả rông của phường cho biết, phường có số lượng chó nuôi nhiều nhất quận nên vấn đề về môi trường, an ninh trật tự phức tạp. “Có tình trạng chó nuôi nhưng không rọ mõm, thả rông nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh. Từ đầu năm 2022 đến nay, chúng tôi đã triển khai xử lý tình trạng động vật nuôi thả rông, trong đó lập biên bản nhắc nhở, cam kết đối với 4 trường hợp và xử phạt 1 trường hợp để chó thả rông nơi công cộng theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức xử phạt là 500.000 đồng”, ông Đức thông tin.

Ông Đức vừa tham gia lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng về bắt, giữ chó nuôi thả rông cho cán bộ phụ trách của 56 phường, xã, do Chi cục Nông nghiệp thành phố tổ chức. “Tại khóa tập huấn, tôi nêu ý kiến về quá trình thực hiện bắt chó trên thực tế còn nhiều vướng mắc. Đơn cử, bắt giữ chó xong thì nuôi nhốt ở đâu, chăm sóc ra sao. Chúng tôi cũng đề xuất cơ quan chức năng cần có một căn cứ pháp lý cụ thể chung, sau đó có quyết định thành lập tổ bắt chó thả rông để các thành viên trong tổ yên tâm hoạt động”, ông Đức chia sẻ.

Pháp luật không cấm nuôi chó nên khó xử lý

Trong khi đó, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) tập trung nhiều khu chung cư nhất trên địa bàn thành phố, việc người dân nuôi chó, mèo trong khu chung cư  khá nhiều. Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho hay, địa phương đang “đau đầu” về tình trạng nuôi chó trong các khu chung cư làm ảnh hưởng đến môi trường sống.

“Có tình trạng chó không rọ mõm chạy ngoài đường. Người dân cũng nêu ý kiến nhưng pháp luật không cấm nuôi chó nên khó xử lý. Kể cả việc bắt giữ chó cũng không đơn giản, chưa có quy định cụ thể về việc bắt về nuôi nhốt, chăm sóc chó ra sao. Hiện lực lượng chức năng mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, tuyên truyền, vận động, chứ chưa xử phạt trường hợp nào”, ông Hải cho hay.

Còn tại huyện Hòa Vang, ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho hay, thời gian qua, địa phương mới triển khai và cử tổ công tác tham gia khóa tập huấn về triển khai bắt giữ chó thả rông nơi công cộng. Theo ông Nghĩa, do xã Hòa Phong là vùng thôn quê, người dân còn tập quán nuôi động vật như chó, mèo rất nhiều nhưng hiện nay hầu hết các gia đình đều xây tường rào, cổng ngõ khép kín nên cơ bản quản lý tốt.

Do đó, tình trạng chó chạy ngoài đường làm ảnh hưởng đến giao thông chưa phải là vấn đề “nóng”. “Chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào về việc chó thả rông chạy ra đường gây nguy hiểm cho người khác. Trước mắt, xã tiếp tục chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở để người dân tự giác nâng cao ý thức. Tất nhiên, trường hợp nào vi phạm mà đã nhắc nhở thì sẽ xử lý nghiêm”, ông Nghĩa cho hay.

Phạt tiền đến 2 triệu đồng

Tại Điểm b, c, Khoản 2, Điều 7, Nghị định 144/NĐ-CP ngày 31-12-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi chó thả rông ra khu đô thị hoặc khu công cộng có mức xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ động vật nuôi từ 300.000 đồng - 500.000 đồng.

Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 7, Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28-3-2022 quy định: Phạt tiền từ 1 triệu - 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Xử lý nghiêm trách nhiệm của chủ vật nuôi vi phạm quy định

Ngày 19-7-2021, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn số 4469/UBND-SNN về việc quản lý chó nuôi và xử lý tình trạng chó thả rông trên địa bàn thành phố. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giao UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý chó, mèo vật nuôi và xử lý nghiêm trách nhiệm của chủ vật nuôi vi phạm quy định nuôi chó, mèo; quy định về bắt giữ chó thả rông nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý.

UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã căn cứ tình hình thực tế tổ chức thành lập các tổ/đội bắt giữ chó thả rông nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý hoặc thành lập tổ/đội liên phường, xã để tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về quản lý chó nuôi, phòng chống bệnh dại... Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông cho thành viên của tổ/đội bắt chó thả rông của các địa phương, hướng dẫn các địa phương trang bị các vật dụng, công cụ dùng để bắt giữ chó thả rông… Giao Sở Y tế tổ chức, hướng dẫn các thành viên của tổ/đội bắt chó thả rông về điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người bị chó cắn. Tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho các thành viên của tổ/đội bắt chó thả rông theo quy định.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.