Bạn đọc

Khổ sở vì "tín dụng đen"!

09:09, 09/08/2022 (GMT+7)

Thời gian qua, mặc dù lực lượng công an liên tục phá các vụ án tín dụng đen, cho vay qua app rồi gọi điện, nhắn tin đòi nợ kiểu “khủng bố” với những người chẳng liên quan đến khoản vay nhưng tình trạng này vẫn chưa ngăn chặn được triệt để. Cơ quan chức năng khuyến cáo gì đối với người dân?

Tin nhắn các đối tượng đòi nợ gửi cho ông N.D. (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). Ảnh: ĐẮC MẠNH
Tin nhắn các đối tượng đòi nợ gửi cho ông N.D. (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). Ảnh: ĐẮC MẠNH

Cả ba người thân trong gia đình ông N.D. (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) gồm ông D., vợ ông D. và con gái đầu những ngày vừa qua liên tục bị “khủng bố” qua điện thoại, tin nhắn, với nội dung đòi nợ khiến mọi người luôn sống trong căng thẳng, lo lắng.

Qua tìm hiểu, ông D. được biết, trước đó con trai ông là N.T vay nợ thông qua hợp đồng tín dụng với số tiền phải trả hơn 17 triệu đồng. “Tôi không rõ cháu vay ra sao, từ khi nào, bởi vài năm nay gia đình không liên lạc được với T. Chúng tôi cũng không bảo lãnh khoản vay nào của T. cả. Còn các số điện thoại nhắn tin tới, khi chúng tôi gọi lại để xác minh thì đều không liên lạc được. Thế nhưng, cứ vài bữa thì lại có số điện thoại lạ gửi các tin nhắn bất kể ngày đêm, lúc thì gửi tới số điện thoại của tôi, khi thì gửi vào số của vợ tôi, rồi gửi tới điện thoại của con gái tôi yêu cầu trả nợ”, ông D. nói.

Nhiều người dân cũng phản ánh với chúng tôi về việc bị những số điện thoại lạ nhắn tin, gọi điện “khủng bố”, yêu cầu phải trả tiền mặc dù họ không hề vay mượn từ các app cho vay. Anh M.Đ. (trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu) bức xúc cho biết, thời gian dài anh và những người trong gia đình liên tục bị đe dọa bằng các cuộc gọi, tin nhắn, bất kể giờ giấc nào. Các đối tượng nói do em trai anh đã vay tiền của các app nhưng chưa trả xong và trong quá trình làm thủ tục vay phải cung cấp danh bạ. Do lãi mẹ đẻ lãi con, không trả nổi nên người thân liên tục bị khủng bố, đòi nợ.

Bằng một số biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã thử tra thông tin từ các số điện thoại gọi điện, gửi tin nhắn có nội dung đòi nợ. Kết quả thể hiện những số điện thoại này đứng tên đăng ký của các đối tượng ở khắp các tỉnh, thành phố, chủ yếu các tỉnh phía Nam (Cần Thơ, Bến Tre…) và phía Bắc (Hà Nội, Nghệ An…).

Đầu tháng 4-2022, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hải Châu đã liên tiếp phát hiện và triệt xóa 5 đường dây “tín dụng đen” cho vay nặng lãi trên địa bàn với lãi suất lên đến 365%/năm, phí dịch vụ 3-5%/tháng. Các đường dây này hoạt động độc lập, do các đối tượng từ các tỉnh phía Bắc vào hoạt động từ cuối năm 2021 đến nay với số tiền thu bất chính hàng trăm triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Phan Minh Viên, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hải Châu cho biết, hiện nay xuất hiện 2 hình thức cho vay tín dụng trực tiếp và cho vay qua app. “Về cơ bản, cả hai hình thức cho vay này đều có lãi suất rất cao. Các đối tượng đều có chung phương thức, thủ đoạn là cho vay tiền mặt mà không cần thế chấp, sau đó thu lãi hằng ngày. Nếu người vay chậm trả sẽ bị phạt. Nếu người vay bỏ trốn thì sẽ bị gọi điện đe dọa, thậm chí chúng nhắn tin, gọi điện “khủng bố” người thân, bạn bè, đồng nghiệp của những người vay nợ để buộc trả nợ”, Trung tá Phan Minh Viên chia sẻ.

“Công an quận Hải Châu đã khởi tố 4 vụ án, gần 10 đối tượng và đã hoàn tất hồ sơ chuyển tới Viện Kiểm sát đề nghị truy tố về hành vi “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên truy cập vay tiền qua các app tài chính, công ty tài chính khi chưa biết rõ về lãi suất cũng như phương thức trả nợ. Người dân khi nhận những cuộc gọi, tin nhắn đe dọa, “khủng bố” thì trình báo ngay cơ quan công an, cụ thể là Đội Cảnh sát hình sự Công an các quận, huyện để nhờ can thiệp. Đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vay vốn thì liên hệ hoặc trực tiếp đến các cơ quan chính quyền để được hỗ trợ vay từ các ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ người nghèo”, Trung tá Phan Minh Viên khuyến cáo.

Nên tìm tới các công ty tài chính uy tín

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, một cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị tiếp nhận 11 tin báo của công dân về việc bị các đối tượng gọi điện, đe dọa, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ. “Chúng tôi khuyến cáo người dân nếu thực sự có nhu cầu vay vốn thì nên vay qua các công ty tài chính uy tín, có pháp lý rõ ràng, hoặc đến các ngân hàng để được hỗ trợ các khoản vay ưu đãi. Người dân đặc biệt không nên vay qua các app trôi nổi, không minh bạch vì dễ bị rơi vào bẫy lừa đảo”, vị này khuyến cáo.

ĐẮC MẠNH

.