Bạn đọc
Nguy cơ mất an toàn vệ sinh tại các chợ 'cóc', chợ tự phát
ĐNO - Tình trạng chợ “cóc”, diễn ra khá phổ biến quanh các Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), Khu công nghiệp Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ), gây nên tình trang lấn chiếm lề đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, vào khung giờ từ 16 giờ đến 18 giờ chiều các ngày thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, quanh các tuyến đường Âu Cơ, Lạc Long Quân, đoạn gần Khu công nghiệp Hòa Khánh, hay đường Tôn Đản (quận Cẩm Lệ) không khó để bắt gặp những sạp thực phẩm rau củ, thịt, cá, đồ tươi sống được đặt hai bên vỉa hè.
Đây là thời điểm giờ tan ca của công nhân, vì vậy lượng xe lưu thông trên các tuyến đường này trong tình trạng ùn ứ. Nhiều công nhân tranh thủ dừng xe dưới lòng đường, thậm chí đi ngược chiều để mua thực phẩm. Ngoài việc buôn bán mất trật tự, không người quản lý, những khu chợ tự phát này còn tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1993, công nhân Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam, Khu công nghiệp Hòa Khánh) cho biết: “Công nhân không có nhiều thời gian để ghé các chợ, siêu thị nên thường tranh thủ lúc tan ca để đến các sạp mua thực phẩm. Thực phẩm mua ở đây giá cả hợp lý nên tôi lựa chọn để mua về nấu ăn cho gia đình”.
Bà Lê Thị Đào (SN 1963, trú phường Hòa Thọ Tây, Cẩm Lệ) bày tỏ lo lắng, thực phẩm ở các sạp bán này thường giá rẻ hơn các chợ đánh vào tâm lý của công nhân là vừa tiện, vừa hợp túi tiền, nhưng nếu không quản lý sẽ rất dễ xảy ra những trường hợp mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cảnh mua bán, dừng đỗ xe dưới lòng đường gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh trên tuyến đường Mê Linh. Ảnh: X.HẬU |
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung cho biết, nhu cầu mua bán thực phẩm của công nhân thuê trọ sinh sống dọc các tuyến đường quanh Khu công nghiệp Hòa Khánh và Khu công nghiệp Hòa Cầm rất cao.
Vì vậy, tình trạng mua bán thực phẩm ở các chợ “cóc”, chợ tự phát diễn ra khá phổ biến. Hầu hết, người bán ở các sạp không phải là tiểu thương của các chợ trên địa bàn mà chủ yếu là người dân thấy công nhân tan ca đông nên tự lập ra.
“Để giảm thiểu tình trạng trên, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đang phối hợp các đơn vị cung cấp thực phẩm sạch như siêu thị, cửa hàng tiện lợi để hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động được tiếp cận nguồn thực phẩm sạch và an toàn.
Sắp tới, Công đoàn sẽ hỗ trợ cho người dân mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán bằng cách tổ chức các gian hàng giảm giá, phát, tặng phiếu mua hàng,… Ngoài ra, về lâu dài cần có sự phối hợp của lực lượng chức năng để xử lý dứt điểm tình trạng trên, tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong dịp Tết sắp đến”, ông Trung nói.
Theo Phó ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Trần Văn Tỵ, trước đây, ngay trong các tuyến đường thuộc Khu công nghiệp Hòa Khánh và Khu công nghiệp Hòa Cầm cũng có những người bán hàng rong mang theo các thực phẩm vào bán cho công nhân. Tuy nhiên, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thành lập lực lượng và tăng cường xử lý tình trạng này.
Hiện nay, tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố có một vài siêu thị mini để phục vụ nhu cầu của công nhân như siêu thị Phúc lợi đoàn viên trong khu chung cư của công nhân khu vực Hòa Khánh hay tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản có siêu thị Co.opmart. Tuy nhiên, số siêu thị này không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của công nhân, người lao động.
“Thời gian đến, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, nhắc nhở; đồng thời, tăng cường trao đổi nâng cao hơn nữa ý thức, thay đổi nhận thức của công nhân, người lao động về an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Tỵ cho biết.
XUÂN HẬU