Bạn đọc
Buồn vui "nghề tay trái"
“Nghề tay trái” của tôi là viết bài gửi đăng báo với tư cách là cộng tác viên (CTV). Nếu nói về tuổi nghề thì tính từ khi bài viết đầu tiên được đăng trên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng đến bây giờ, cũng đã ngót nghét 28 năm.
Bài viết đầu tiên được đăng năm 1996, khi tôi còn là anh cán bộ khuyến nông, được đồng nghiệp trong cơ quan “rủ rê” viết bài gửi đăng báo. “Vốn liếng” của tôi về đề tài nông nghiệp, nông thôn và nông dân không thiếu, cái chính là viết thế nào để lọt vào “mắt xanh” của ban biên tập. Ngày ấy, chỉ nghĩ đến tờ báo gần gũi nhất là Quảng Nam - Đà Nẵng (sau này chia tách tỉnh thành hai tờ báo riêng của mỗi địa phương là Báo Đà Nẵng và Báo Quảng Nam. Thời điểm đó, máy vi tính còn là của hiếm, cả cơ quan chỉ có một cái và tất nhiên mình cũng không thể tranh thủ “lợi dụng” của công được. Vậy là những bài báo đầu tiên của tôi phải viết tay trên một mặt giấy. Sau này, may mắn hơn, ba tôi là nhà giáo, sắm được cái máy đánh chữ, vậy là tập “mổ cò” đánh máy bài viết. Trong căn nhà chật hẹp của khu tập thể giáo viên nơi gia đình tôi sinh sống thỉnh thoảng lại vang lên âm thanh lạch cạch lóc cóc của máy đánh chữ. Khi là cha, lúc là con thay nhau gõ và chủ yếu cũng là viết bài gửi đăng báo.
Nhớ lại, bài báo đầu tiên “mở hàng” trên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng năm ấy, cảm xúc trong tôi thật khó tả. Có tờ báo biếu rồi những đồng nhuận bút được nhận sau mỗi lần có bài được đăng giúp tôi có thêm niềm vui để viết. Nhuận bút thời điểm những năm 90 tuy không nhiều nhưng cũng hỗ trợ thêm cho đồng lương khuyến nông khá khiêm tốn lúc bấy giờ. Hạnh phúc hơn là được bạn bè, đồng nghiệp nhận xét tích cực về các bài viết và cả những lời góp ý chân thành. Tất cả là nguồn động viên để tôi thừa thắng xông lên viết nhiều, viết khỏe hơn nữa. Không chỉ có bài đăng trên báo địa phương mà theo năm tháng, bài viết của tôi đã xuất hiện trên một số tờ báo lớn, tạp chí Trung ương... “Tay nghề” được nâng lên rõ rệt sau những lần được Ban biên tập chỉnh sửa, lược bỏ và cả sau nhưng lần bài gửi đi mà không được đăng do chưa đạt chất lượng hoặc quá dài, thậm chí do không có ảnh minh họa gửi kèm.
Theo dòng thời gian, chủ đề, nội dung bài viết cũng phong phú, đa dạng hơn, ban đầu đa số bài chỉ mang tính chuyên môn kỹ thuật là chủ yếu, dần dần mở rộng qua các đề tài khác, từ phản ánh những tấm gương người tốt, việc tốt đến những hoàn cảnh éo le cần giúp đỡ, cả chống tham nhũng, tiêu cực lẫn tản văn, ghi chép…
Trong những năm tháng viết báo ấy, buồn vui, sướng khổ tôi đều trải qua nhưng vui và hạnh phúc là chủ đạo. Thời kỳ báo giấy còn chiếm ưu thế, mỗi sáng đến cơ quan, việc đầu tiên là mở trang “báo nhà” Đà Nẵng ra xem có bài viết của mình hay không. Sau này có báo điện tử, báo mạng thì mỗi sáng gõ vào bàn phím vi tính hay điện thoại thông minh tìm những tờ “báo ruột” mình cộng tác để xem có bài viết hay không rồi mới bắt tay vào công việc chính.
Trải qua nhiều giai đoạn công tác và hiện nay là cán bộ hưu trí, “sự nghiệp báo chí” của tôi vẫn chưa dừng lại, tôi vẫn còn đam mê với nghề lắm. Có thể môi trường công tác, làm việc đã thay đổi, đề tài, chủ đề, “vốn liếng” cũng vơi đi khá nhiều nhưng vẫn còn nguồn tư liệu ngồn ngộn mang tên cuộc sống xung quanh mình. Đó là cuộc sống dựng xây quê hương đất nước; là những con người bình dị hằng ngày vẫn thầm lặng đóng góp công sức, trí tuệ xây đời, làm đẹp cho quê hương đất nước. Đó còn là những điều tai nghe mắt thấy, tốt có, xấu có, đẹp có, chưa đẹp cũng không ít, những điều mà những ai làm báo chân chính, cả “có thẻ” và “không thẻ” không thể bỏ qua, tất cả là vì mục đích hướng đến chân - thiện - mỹ.
Trong dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ôn lại những kỷ niệm của những năm tháng làm “nghề tay trái” của mình để nhìn lại bản thân, tiếp tục học hỏi, viết đều tay, chắc tay hơn nữa để có những bài viết chất lượng xuất hiện thường xuyên trên mặt báo.
DIỆP DÂN HÙNG