Bạn đọc
Giá điện tăng thêm 4,8% từ ngày 11-10
Trước thông tin giá điện tăng 4,8% từ ngày 11-10, nhiều bạn đọc lo lắng khi số tiền trả thêm mỗi tháng không lớn nhưng nếu nhân lên theo tháng, theo năm thì không hề nhỏ. Tăng giá điện tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với doanh nghiệp. Liên quan vấn đề này, Báo Đà Nẵng thông tin đến bạn đọc một số nội dung liên quan.
Giá điện tăng 4,8% từ ngày 11-10. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng triển khai công tác bảo dưỡng lưới điện. Ảnh: PC Đà Nẵng |
Khách hàng phải trả thêm bao nhiêu tiền điện từ 11-10?
Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ban hành các quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 11-10. Theo đó, EVN có Quyết định 1046/QĐ-EVN ngày 11-10 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,1159 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Cùng thời điểm, Bộ Công Thương có Quyết định 2699/QĐ-BCT quy định về giá bán điện. Theo đó, Bộ Công Thương quyết định ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện. Giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thời gian áp dụng giá bán lẻ điện từ ngày 11-10-2024.
Với mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh từ các quyết định trên, mức giá mới đã tăng thêm 4,8% so với mức giá cũ. Theo tính toán của EVN, cả nước có trên 17,4 triệu hộ khách hàng sử dụng điện dưới 200kWh/tháng, chiếm 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Với mức điều chỉnh này, chi phí sử dụng điện mỗi hộ trên tăng thêm 13.800 đồng/tháng.
Chia sẻ ý kiến với Báo Đà Nẵng về thông tin trên, bạn đọc Trần Xuân Vinh (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) cho biết: “Mức tăng 4,8% là con số đáng kể và đây là lần điều chỉnh tăng giá lần thứ 3 trong 2 năm liên tiếp. Mức giá này theo tôi là chưa hợp lý, bởi người dân đang phải gián tiếp chi trả các khoản bù lỗ của ngành điện. Số tiền trả thêm mỗi tháng không lớn nhưng nếu nhân lên theo tháng, theo năm thì không hề nhỏ”.
Cùng ý kiến, bạn đọc Hoàng Thị Nhã Phương (chủ doanh nghiệp ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho rằng, giá điện tăng gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Để sản xuất và vận hành xưởng thì tất cả các khâu đều liên quan và sử dụng đến điện. Khi chi phí điện năng tăng, doanh nghiệp buộc phải tính toán lại giá thành sản phẩm để bảo đảm lợi nhuận, điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa, việc tăng giá điện còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đặc biệt là các đối tác sản xuất nguyên liệu như vải, phụ liệu.
“Chi phí nguyên vật liệu đội lên khiến chúng tôi phải đối mặt với bài toán khó khăn hơn trong việc giữ giá thành sản phẩm ổn định. Hơn nữa, tăng chi phí vận hành ảnh hưởng trực tiếp chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp, buộc chúng tôi phải thắt chặt chi tiêu ở các lĩnh vực khác, thậm chí có thể ảnh hưởng chính sách nhân sự”, chị Phương chia sẻ. Ở góc độ doanh nghiệp, chị Phương cho rằng, Nhà nước và ngành điện nên có phương án giảm, bình ổn giá điện và điều chỉnh cách tính giá điện hợp lý, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ Công Thương nói gì?
Liên quan vấn đề giá điện, Bộ Công Thương có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng. Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng và xem xét điều chỉnh giá điện được thực hiện trên cơ sở phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của EVN, đồng thời có đánh giá tác động tổng thể đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Theo Bộ Công Thương, thực hiện quy định tại Luật Điện lực, để có lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện, đơn vị đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg ngày 3-2-2023, quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện sẽ được điều chỉnh trong khung với mức giá tối thiểu và tối đa được tính toán quy định trước.
Việc điều hành giá điện hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26-3-2024, trong đó giá điện được xem xét điều chỉnh theo biến động chi phí của các khâu trong chuỗi sản xuất - cung ứng điện tại năm đang xét và các chi phí chưa được tính vào giá điện (là các chi phí được phép tính nhưng chưa được tính vào giá điện để thu hồi vào các kỳ điều chỉnh trước).
Theo đó, nếu giá điện tính toán giảm từ 1% trở lên so với hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm tương ứng, giá điện tăng từ 3% trở lên thì được xem xét điều chỉnh. Do điện là mặt hàng nhạy cảm, việc điều chỉnh giá điện có thể có những tác động đến kinh tế - xã hội nên Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg cũng quy định, nếu điều chỉnh giá điện ở mức tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô thì Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Thực tế các năm vừa qua, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, việc điều chỉnh giá điện đều đã được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trên cơ sở đánh giá tác động đến các nhóm khách hàng và đến các chỉ số kinh tế vĩ mô như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI), tổng sản phẩm trong nước (GDP).
LÂM VIÊN