Bạn đọc

Hàng rẻ và "giá" đắt

08:02, 31/10/2024 (GMT+7)

Tôi đặt mua máy khuếch tán tinh dầu trên một sàn thương mại điện tử vì yêu thích mẫu mã và giá hợp lý. Khi nhận hàng, máy đẹp đúng như hình ảnh quảng cáo nhưng chỉ dùng được một lần đã hỏng. Hàng quốc tế nên không có bảo hành và tôi cũng không còn cơ hội đánh giá chất lượng để người mua sau có thể tham khảo vì thời hạn đã hết. Rốt cuộc, món đồ tưởng rẻ lại thành đắt.

Các sàn thương mại điện tử liên tục tạo ra những “cơn nghiện” mới thông qua các chương trình flash sale, mã giảm giá và freeship. (Ảnh minh họa)
Các sàn thương mại điện tử liên tục tạo ra những “cơn nghiện” mới thông qua các chương trình flash sale, mã giảm giá và freeship. (Ảnh minh họa)

Cuộc cách mạng số đã mở ra một kỷ nguyên mua sắm mới, nơi mà chỉ với vài cú chạm màn hình, hàng hóa dễ dàng đến tay người tiêu dùng. Sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử không chỉ làm thay đổi thói quen mua sắm mà còn khiến giá thành sản phẩm giảm mạnh do cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, tâm lý “mua vì rẻ” đã trở thành một xu hướng phổ biến khiến nhiều người mua sắm mà không đắn đo liệu món hàng có phù hợp hoặc thật sự cần thiết.

Nhiều người thừa nhận rằng họ đã mua hàng trong “cơn say” giảm giá nhưng sau đó lại bỏ xó vì không dùng đến. Tâm lý FOMO (Fear of Missing Out) - nỗi sợ bỏ lỡ - được khai thác triệt để, biến mua sắm từ nhu cầu thiết yếu thành hoạt động giải trí. Theo một nghiên cứu từ Đại học Cambridge (Anh), 75% người tiêu dùng thừa nhận thường mua sắm để cảm thấy vui vẻ nhưng sau đó lại thấy trống rỗng. Những quyết định mua sắm bốc đồng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính cá nhân mà còn tạo ra áp lực tâm lý không đáng có.

Theo báo cáo Kinh tế số 2024 (Digital Economy Report 2024) do hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) phát hành, năm 2024, giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu ước đạt 6,3 nghìn tỷ USD. Đáng chú ý, các nền kinh tế đang phát triển chiếm 45% thị phần thương mại điện tử toàn cầu (năm 2022, thị phần chỉ ở mức 37%).

Cơn sốt mua sắm trực tuyến được thổi bùng bởi các chiến lược marketing tinh vi. Tại Việt Nam, các sàn thương mại điện tử liên tục tạo ra những “cơn nghiện” mới thông qua các chương trình flash sale, mã giảm giá và freeship. Gần đây, sự xuất hiện của một sàn thương mại điện tử với chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) - hình thức quảng bá sản phẩm nhận hoa hồng dựa trên đường dẫn (link) - chiết khấu tới 30% cùng ưu đãi giảm giá 90% khiến cuộc đua giá cả càng khốc liệt.

Cũng vì vậy, nhiều quốc gia đã điều chỉnh chính sách để kiểm soát hàng hóa giá rẻ và bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Bên cạnh đó, đi cùng với “hàng rẻ” là “giá đắt” cho môi trường. Để duy trì mô hình kinh doanh dựa trên giá thành thấp, các nhà sản xuất buộc phải hy sinh chất lượng và cam kết bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu của Đại học Queensland (Úc) năm 2016 đã chỉ ra rằng ngành công nghiệp thời trang nhanh tạo ra khoảng 92 triệu tấn rác thải mỗi năm. Phần lớn rác thải này đến từ những sản phẩm thời trang không bán được hoặc bị vứt bỏ, điều này cho thấy mức độ lãng phí lớn trong chuỗi cung ứng thời trang, đặc biệt là những sản phẩm có tuổi thọ ngắn và giá thành rẻ. Nghiên cứu này còn nêu bật tác động tiêu cực đến môi trường của thời trang nhanh, với sự tiêu thụ tài nguyên lớn, đặc biệt là nước, và tác động lâu dài của rác thải dệt may đối với môi trường tự nhiên.

Nghiên cứu năm 2020 của Đại học Aalto (Phần Lan) cũng nhấn mạnh rằng ngành thời trang tiêu thụ khoảng 79 nghìn tỷ lít nước mỗi năm.

Theo báo cáo được công bố bởi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) vào năm 2020, khoảng 85% quần áo tiêu thụ tại Mỹ sẽ bị chôn lấp trong các bãi rác; trung bình 25% chất thải rắn trong các bãi chôn lấp là từ ngành công nghiệp thời trang.

Những bãi chôn lấp rác thải thời trang đang ngày càng phình to, trong khi các phương pháp tái chế vẫn còn hạn chế, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Chỉ khoảng 1% từ tổng số quần áo được sản xuất được tái chế thành sản phẩm mới, trong khi phần còn lại thường được chôn lấp hoặc đốt, góp phần gia tăng lượng khí thải carbon và ô nhiễm môi trường. Một nghiên cứu của Tổ chức Thời trang bền vững (Sustainable Fashion) được công bố vào năm 2021 cho thấy, ngành công nghiệp thời trang nhanh thải ra khoảng 2 triệu tấn chất độc hại vào nguồn nước mỗi năm.

Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng các hóa chất từ quy trình sản xuất và nhuộm vải đã dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng cho các nguồn nước, gây tác động tiêu cực đến sức khỏe con người cũng như hệ sinh thái.

Ở Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã góp phần thúc đẩy mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, sự thiếu vắng các chính sách bảo vệ người tiêu dùng và tiêu chuẩn về môi trường đối với các sản phẩm giá rẻ là một vấn đề đáng lo ngại. Bài học từ các quốc gia khác cho thấy, cần thiết phải có các quy định để kiểm soát chất lượng hàng hóa, đồng thời khuyến khích mô hình tiêu dùng bền vững, giúp người tiêu dùng mua sắm thông minh và giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.

Cuộc cách mạng số mang lại nhiều tiện ích, nhưng cái giá phải trả cũng không nhỏ. Khi quyết định mua sắm trực tuyến, hãy cân nhắc kỹ về giá trị thật sự của món đồ và tác động lâu dài của nó, vì cái rẻ đôi khi lại trở thành “đắt” hơn rất nhiều.

MỘC TRÀ

.