.

Sắp xếp thuyền, thúng tập kết bên đường Hoàng Sa

.
Nhằm bảo đảm cảnh quan du lịch tại bãi biển và tuyến đường Hoàng Sa-Trường Sa, UBND thành phố vừa ban hành văn bản quy định vị trí tập kết thuyền, thúng tại phía Đông đường Hoàng Sa. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai, thuyền, thúng vẫn tập kết lộn xộn bên vệ đường Hoàng Sa, thậm chí còn lấn chiếm lòng đường, dễ gây tai nạn giao thông cho người đi đường và khách du lịch. 

Mô tả ảnh.
Tuyến đường du lịch ven biển tuyệt đẹp đang bị cỏ, rác và thuyền, thúng tập kết lộn xộn làm xấu đi.
Theo chỉ đạo của thành phố, UBND quận Sơn Trà chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng sắp xếp, quản lý các hoạt động thuyền, thúng và cho ngư dân tập kết thuyền, thúng tại khu vực phía Đông đường Hoàng Sa, đoạn từ đường Trương Định đến giáp ranh Khu tái định cư đầu tuyến Sơn Trà – Điện Ngọc với chiều dài khoảng 500m, bảo đảm số lượng thuyền, thúng được tập kết ở vị trí thuận lợi và cảnh quan tại các bãi biển du lịch. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai quy định của thành phố, theo quan sát và ghi nhận của chúng tôi, trên tuyến đường Hoàng Sa, thuyền, thúng vẫn tập kết lộn xộn, mất mỹ quan.
 
Ở phía dưới đường Trương Định (nằm ngoài khu vực quy định), nhiều thuyền vẫn yên vị sát mép bó vỉa đường Hoàng Sa. Còn trong khu vực quy định tập kết, nhiều thuyền, thúng vẫn để lộn xộn ở phía Tây đường. Đáng ngại là nhiều thuyền để ở phía Đông đường không chỉ phơi bụng thuyền xấu xí, còn chìa mũi thuyền vào lòng đường, rất dễ gây tai nạn cho người đi đường và khách du lịch. Còn ở dưới bãi biển và mặt nước thì la liệt thuyền, thúng đậu đỗ không theo một trật tự nào, trông mất mỹ quan đô thị và bãi biển du lịch. Giải thích về việc biến vỉa hè tuyến đường du lịch ven biển thành nơi tập kết, xưởng sửa chữa thuyền hư hỏng, thậm chí thành “bãi rác” chứa thuyền hư hỏng, xuống cấp nặng, một số người dân cho rằng, tập kết ở dưới bãi cát thì dễ bị sóng biển cuốn trôi, số lượng thuyền lại quá nhiều mà phần bờ cát sát đường Hoàng Sa lại quá hẹp, thiếu chỗ tập kết nên ngư dân phải đem thuyền lên tập kết trên vỉa hè, sát lòng đường.

Theo UBND phường Mân Thái, ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, phường đã ban hành thông báo, phát lên loa của hệ thống đài truyền thanh và phát thông báo về cho các tổ đánh bắt về việc tập kết thuyền, thúng ở phía Đông đường Hoàng Sa. Còn theo ông Lê Văn Soạn – Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, phường cũng đã thông báo cho ngư dân quy định của thành phố về khu vực tập kết thuyền, thúng. Tuy nhiên, quận cần có kế hoạch, hướng dẫn, quy định thực hiện cụ thể hơn mới tiến hành sắp xếp thuyền, thúng tập kết trật tự, bởi không chỉ riêng số lượng thuyền, thúng của địa phương, còn có nhiều thuyền ở địa phương khác đến neo đậu, tập kết… Trong khi đó, khi chúng tôi liên hệ tìm hiểu về việc bố trí, sắp xếp thuyền, thúng và kiểm tra, xử phạt thuyền, thúng tập kết không đúng nơi quy định, lãnh đạo của 3 phòng: Kinh tế, Quản lý đô thị và Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị quận Sơn Trà đều cho rằng không được giao trách nhiệm thực hiện chỉ đạo của thành phố về việc tập kết thuyền, thúng ở phía Đông đường Hoàng Sa, đoạn từ đường Trương Định đến giáp ranh Khu tái định cư đầu tuyến Sơn Trà – Điện Ngọc.

Qua đây, đề nghị UBND quận Sơn Trà, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng sớm có kế hoạch, hướng dẫn thực hiện cụ thể về việc tập kết thuyền, thúng ở phía Đông đường Hoàng Sa theo quy định của thành phố, nhằm bảo đảm cảnh quan bãi biển, tuyến đường du lịch, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, thành phố cần chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện việc dọn cỏ rác đang tràn ngập trên vỉa hè, làm ảnh hưởng mỹ quan tuyến đường du lịch ven biển tuyệt đẹp này.

Nam Trân
;
.
.
.
.
.