Nhịp cầu nhân ái

Những hạt gạo nghĩa tình

10:07, 19/06/2020 (GMT+7)

Ra đời và vận hành để giúp đỡ những người gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, các máy “ATM gạo” là sáng kiến được đánh giá cao vì không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều người vượt qua khó khăn mà còn thể hiện được tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia trong cộng đồng.

Người dân xếp hàng trật tự, chờ tới lượt nhận gạo. Mỗi lượt nhận 2kg gạo từ máy “ATM gạo”.  Ảnh: MAI QUẾ
Người dân xếp hàng trật tự, chờ tới lượt nhận gạo. Mỗi lượt nhận 2kg gạo từ máy “ATM gạo”. Ảnh: MAI QUẾ

ATM (Automated Teller Machine) là máy rút tiền tự động, chức năng chính của máy dùng để rút tiền mặt được các ngân hàng bỏ sẵn trong máy. Trên thế giới, một số doanh nghiệp cũng chế tạo ra các máy ATM không đựng tiền như ATM bán dược phẩm, ATM bán tất (vớ)… nhưng “ATM gạo” của Việt Nam có thể xem là sáng kiến mới lạ, duy nhất trên thế giới.

Anh Hoàng Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh (Thành phố Hồ Chí Minh) - người sáng chế ra máy “ATM gạo” cho biết, lý do phát minh ra máy “ATM gạo” vì anh nhận thấy lượng người thất nghiệp ngày càng đông do ảnh hưởng của Covid-19. Chính vì vậy, ý tưởng một chiếc máy có thể vừa cung cấp gạo, vừa bảo đảm việc hạn chế tiếp xúc lẫn nhau trong mùa dịch được ra đời. Đặc biệt, anh Tuấn Anh tin rằng chiếc máy sẽ làm lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách” của mọi người dân trên cả nước.

Quả thật, khi lắp đặt và vận hành chiếc máy đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, lượng gạo mà công ty anh Tuấn Anh dự trù phát cho bà con bị vơi đi nhanh chóng thì ngay lập tức, hàng nghìn tấm lòng thơm thảo đã mang đến đổ thêm gạo vào bồn máy. Cứ thế, dòng chảy của các máy “ATM gạo” đã lan đi khắp cả nước, trong đó có Đà Nẵng. Tuy vận hành sau nhiều tỉnh, thành phố, song những chiếc máy “ATM gạo” tại Đà Nẵng vẫn giành được nhiều sự quan tâm của các tổ chức và cá nhân, điều này thể hiện qua những con số tiếp nhận và phát ra. Từ ngày 20-4 đến 16-5, các máy “ATM gạo” trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận hơn 2,5 tỷ đồng, phát ra 251 tấn gạo, tương đương 122.500 lượt nhận. Có thể nói, số lượng gạo phát ra từ các máy “ATM gạo” tại Đà Nẵng so với nhiều tỉnh, thành phố vào hàng nhiều nhất.

Bên cạnh các máy “ATM gạo” chảy ra những hạt gạo ấm áp nghĩa tình, tại Nhà văn hóa phường Bình Thuận (230 Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) lại có thêm “siêu thị 0 đồng” phát nhu yếu phẩm cho người dân vào thứ Ba và thứ Bảy hằng tuần.

Niềm vui của một người dân khi nhận gạo. Ảnh: MAI QUẾ
Niềm vui của một người dân khi nhận gạo. Ảnh: MAI QUẾ

Còn tại Thành Đoàn Đà Nẵng, Ban tổ chức chương trình cũng phát kèm nhu yếu phẩm với mỗi lượt nhận gạo, giúp bữa ăn của người nghèo được cải thiện trên tinh thần “người thiếu thì lấy, người dư thì cho”. Qua 4 tuần hoạt động, chưa khi nào hàng người xung quanh các máy “ATM gạo” ngơi bớt. Tuy vậy, mọi người dân đều xếp hàng rất trật tự, không có tình trạng chen lấn hay “vỡ trận”, bởi người dân hiểu rằng, cần bảo đảm an ninh trật tự cho chương trình, tránh những sự cố khiến chương trình phải ngưng hoạt động như một số địa phương trước đó. Như vậy mới thấy, 2kg gạo, về mặt giá trị kinh tế chưa phải là cao nhưng có nhiều người dân sẵn sàng xếp hàng chờ nửa ngày để nhận, thì hẳn họ đã khó khăn tới mức nào.

Quanh máy “ATM gạo” có rất nhiều câu chuyện nghĩa tình đã diễn ra, đó không chỉ là niềm vui của người được nhận, mà còn là niềm vui của người trao tặng, đóng góp. Là đơn vị đồng hành thông tin và tiếp nhận ủng hộ, cán bộ, nhân viên Báo Đà Nẵng đã chứng kiến và ghi nhận nhiều tấm lòng hảo tâm của các tổ chức và cá nhân, trong đó có cả những người nước ngoài đang sinh sống tại thành phố… Đó là những doanh nghiệp sẻ chia với người nghèo, tiền dành dụm của một em học sinh lớp 6 hay số tiền “bỏ heo đất” của liên đội các em học sinh tại một trường tiểu học…

Người khuyết tật, người già được ưu tiên nhận gạo đã được chia sẵn. Ảnh: MAI QUẾ
Người khuyết tật, người già được ưu tiên nhận gạo đã được chia sẵn. Ảnh: MAI QUẾ

Dù là ai chăng nữa, tất đều chọn cách “cho đi” số tiền của mình một cách ý nghĩa, giàu tình thương. Nhà báo Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng cho biết, chương trình “Hạt gạo tình thương” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, ủng hộ những người khó khăn trong đại dịch. Bên cạnh công tác tuyên truyền, tạo sự lan tỏa, Báo Đà Nẵng còn là kênh tiếp nhận sự đóng góp của bạn đọc, các tổ chức. Qua gần 4 tuần các máy “ATM gạo” hoạt động, Báo Đà Nẵng đã tiếp nhận sự đóng góp 10 tấn gạo (tương đương 120 triệu đồng) để tiếp sức cho chương trình.

Có nhiều ý kiến cho rằng, cái hay của ý tưởng máy “ATM gạo” là giúp người khó có lương thực nhưng người cho và người nhận không cần phải biết mặt nhau, không nặng nề việc xin - cho, ban phát. Xuyên suốt chương trình, chúng tôi vẫn được nghe những người trong Ban tổ chức nhắc nhở nhau “của cho không bằng cách cho”, trao đi những điều tốt đẹp sẽ nhận lại những điều tốt đẹp. Ông Nguyễn Hồng Cương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Trưởng ban tổ chức chương trình “Hạt gạo tình thương” chia sẻ, chính sự thấu hiểu, cảm thông của bà con tới nhận gạo và sự giúp đỡ của chính quyền, các tổ chức, cá nhân đã giúp các máy “ATM gạo” vận hành thông suốt, nghĩa tình như mục tiêu chương trình hướng đến.

MAI QUẾ
 

.