.

Báo động tình trạng thanh-thiếu niên phạm tội

.

Trộm cắp, cướp giật, đánh nhau gây thương tích... thậm chí là hiếp dâm, giết người, đó là những hành vi mà không ít thanh-thiếu niên (TTN) trên địa bàn thành phố đã phạm tội trong thời gian qua, đây cũng là vấn đề đáng báo động hiện nay.

Mô tả ảnh.
Tình trạng thanh - thiếu niên phạm tội trong thời gian qua ngày càng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. TRONG ẢNH: Công an quận Thanh Khê bắt giữ nhóm thanh-thiếu niên phạm tội “cố ý gây thương tích”.

 

Những con số đáng ngại...

Theo số liệu thống kê của Công an thành phố Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn thành phố xảy ra 28 vụ, 229 đối tượng TTN vi phạm pháp luật; trong đó, cơ quan chức năng đã khởi tố 17 vụ, 33 đối tượng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 31 vụ, 84 đối tượng. Điều đáng nói là tình trạng TTN phạm tội ngày càng có tính chất nghiêm trọng hơn như  cướp tài sản, hiếp dâm và giết người...

Điển hình như vụ các đối tượng Nguyễn Văn Hải (16 tuổi), Nguyễn Văn Đông (16 tuổi), Nguyễn Lê Xuân Lam (16 tuổi), Trần Văn Thọ (16 tuổi) cùng trú quận Sơn Trà đã rủ nhau đi cướp. Chỉ trong một thời gian ngắn, bọn chúng đã thực hiện trót lọt gần 10 vụ cướp trên địa bàn quận Sơn Trà, trước khi bị cơ quan Công an bắt giữ.

Trước đó, vào khoảng 21 giờ ngày 14-4, tại tổ 23D, phường Thọ Quang, do có mâu thuẫn với nhau, Nguyễn Thanh Vỹ (15 tuổi), trú tổ 27, phường Thọ Quang đã dùng dao đâm Nguyễn T. (16 tuổi), trú tổ 11A, phường Thọ Quang, khiến nạn nhân chết trên đường đi cấp cứu. Sau khi gây án, Vỹ đã bỏ trốn và đến khoảng 23 giờ cùng ngày thì bị Công an quận Sơn Trà bắt giữ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã khởi tố Vỹ về hành vi “giết người”.

Trên đây chỉ là 2 ví dụ về tội phạm vị thành niên, thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng khác do TTN gây ra khiến cả xã hội phải quan tâm, lên án.

Nguyên nhân và giải pháp

Thượng tá Nguyễn Hữu Lài, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTPVTTXH), Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: Tình trạng TTN phạm tội đến mức báo động như hiện nay bắt nguồn từ 3 nguyên nhân: Gia đình, nhà trường và xã hội. Qua phân tích cho thấy, đa số các em phạm tội đều rơi vào hoàn cảnh có cha mẹ ly hôn; gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm chăm sóc dẫn đến bỏ học, chơi bời lêu lổng, phạm tội. Có những em sống trong gia đình có điều kiện kinh tế đầy đủ, song ba mẹ quá nuông chiều con cái trong khi lại không quan tâm đến con mình làm gì, đi đâu, phó mặc sự giáo dục, chỉ dẫn cho nhà trường và xã hội.

Nhiều gia đình thường xảy ra bạo lực, khiến con cái bất mãn dẫn đến phạm tội. Ngoài ra, việc quản lý học sinh trong nhà trường còn nhiều thiếu sót, thường chỉ giao khoán cho thầy cô phụ trách, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát. Kỷ luật học đường chưa nghiêm khắc đã khiến cho một bộ phận nhỏ học sinh “nhờn” và có biểu hiện hỗn láo với thầy cô. Chương trình học và những áp lực do cha mẹ, giáo viên đặt nặng khiến học sinh phải “gồng sô” và không còn thời gian vui chơi trong khi tuổi các em rất cần được giải trí. Điều đó khiến các em hoàn toàn mơ hồ về thế giới bên ngoài và tò mò với những điều dụ dỗ mà những thành phần xấu trong xã hội ra sức lôi kéo.

Bên cạnh đó, tình trạng games, online, phim ảnh bạo lực, khiêu dâm bao vây học đường, lôi cuốn không ít học sinh và ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, tâm lý, hành động của các em. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận đoàn thể xã hội cho rằng việc ngăn ngừa TTN phạm tội là trách nhiệm của cơ quan Công an, nên chưa phát huy hết trách nhiệm của mình trong việc phòng chống tội phạm TTN...

Theo Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, để công tác phòng chống phạm tội trong TTN có hiệu quả hơn, cần tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục TTN; đẩy mạnh bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại, góp phần tạo ra môi trường xã hội lành mạnh trong việc giáo dục TTN. Đối với những TTN có quá khứ hoặc đang có biểu hiện vi phạm pháp luật, phải coi trọng việc cảm hóa, giáo dục, giúp các em sửa chữa sai lầm, từ bỏ ý định phạm tội.

Bên cạnh đó, cần kịp thời phát hiện TTN có biểu hiện vi phạm, lập hồ sơ để đưa đi quản lý, giáo dục; ngăn chặn các ảnh hưởng xấu của môi trường xã hội tác động đến những đối tượng này. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xúi giục, lôi kéo trẻ vị thành niên của các đối tượng trong các ổ nhóm tội phạm. Phát động quần chúng ngăn ngừa, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của TTN tại cộng đồng; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của TTN nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự... Qua đó, sẽ kéo giảm tình hình TTN phạm tội trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.