.

Tiếng mõ an ninh ở Hòa Phong

.

Những năm qua, nhiều mô hình phòng, chống tội phạm mang lại hiệu quả cao đã xuất hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó phải kể đến “Tiếng mõ an ninh” ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang).

Diễn tập mô hình “Tiếng mõ an ninh” ở xã Hòa Phong.
Diễn tập mô hình “Tiếng mõ an ninh” ở xã Hòa Phong.

Ông Nguyễn Tiến Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong, cho biết để bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương, ngăn chặn kịp thời tình trạng vi phạm pháp luật, đồng thời phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, năm 2002, Hội Nông dân xã đã xây dựng mô hình “Tiếng mõ an ninh”. Ban đầu, khi được thí điểm ở thôn Cẩm Toại Đông, mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, người dân kịp thời phát hiện 5 vụ trộm cắp, bắt 9 đối tượng và hàng chục vụ vi phạm pháp luật khác, góp phần làm cho tình hình ANTT của địa phương ổn định hơn.

Từ kết quả ở thôn Cẩm Toại Đông, mô hình đã được nhân rộng trên toàn xã. Hội Nông dân xã chủ động phối hợp với Công an, Mặt trận và các thành viên Hội đồng Bảo vệ ANTT tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân, nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn ANTT; mua sắm phương tiện, dụng cụ như dây, ống tre, đèn dầu...; tổ chức diễn tập để hội viên nông dân và người dân nắm rõ phương pháp hoạt động.

Sau 10 năm triển khai mô hình “Tiếng mõ an ninh” tại xã Hòa Phong, hội viên nông dân và quần chúng nhân dân đã cung cấp 1.757 nguồn tin liên quan đến ANTT, phòng chống tội phạm, giúp Công an điều tra, khám phá 523 vụ vi phạm pháp luật, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, cờ bạc, số đề, mê tín dị đoan. Nhiều thôn triển khai mô hình này đạt kết quả tốt như thôn Cẩm Toại Tây, Cẩm Toại Trung, Bồ Bản 1, Dương Lâm 2... Theo chính quyền thôn Cẩm Toại Tây, trước khi chưa triển khai xây dựng mô hình “Tiếng mõ an ninh”, tình hình ANTT tại thôn khá phức tạp. Nạn trộm cắp, cờ bạc, rượu chè, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng thường xuyên xảy ra.

Sau khi phát động mô hình thì ý thức phòng, chống tội phạm của người dân được nâng cao rõ rệt. Theo đó, mỗi khi xảy ra vụ việc liên quan đến ANTT tại địa bàn dân cư, trưởng thôn phát lệnh gõ mõ, các lực lượng tại chỗ nhanh chóng có mặt để xử lý; quần chúng nhân dân dùng các dụng cụ có sẵn đến phối hợp, truy bắt. 10 năm qua, quần chúng nhân dân đã bắt hàng chục vụ trộm cắp, cướp giật, giao cho Công an xử lý; hòa giải hàng chục trường hợp bạo lực gia đình, giúp nhân dân thôn xóm có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Đánh giá về “Tiếng mõ an ninh”, ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cho biết mô hình đã đem lại nhiều kết quả khả quan, tạo sự đoàn kết, nhất trí cao của nhân dân trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ bình yên cuộc sống ở nông thôn. Vừa qua, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về “Tiếng mõ an ninh” và triển khai mô hình này rộng khắp trên toàn địa bàn huyện Hòa Vang. Đồng thời, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đến chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong cả nước, góp phần vào việc thực hiện tốt công tác ngăn ngừa, phòng chống tội phạm và giữ gìn ANTT ở vùng nông thôn của các địa phương.

Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN

;
.
.
.
.
.