Pháp luật

Trả hồ sơ vụ buôn lậu gỗ quý trị giá hơn 63,6 tỉ đồng

08:58, 01/11/2014 (GMT+7)

ĐNĐT - Ngày 31-10, sau 2 ngày xét xử, TAND TP. Đà Nẵng tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án buôn lậu gỗ quý có tổng giá trị hơn 63,6 tỉ đồng.

Năm bị cáo trong vụ án
Năm bị cáo trong vụ án

Vụ án này đã làm chấn động dư luận khi có nhiều cán bộ Hải quan liên quan.

Hai bị cáo hầu tòa về tội “buôn lậu” là cặp vợ chồng Trương Huy Liệu (SN 1958, nguyên Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) và Trần Thị Dung (SN 1961, cùng ngụ tỉnh Quảng Trị, nguyên Giám đốc Công ty Ngọc Hưng).

Ba bị cáo còn lại đều là cán bộ Hải quan bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Đỗ Lý Nhi (SN 1972, nguyên công chức Hải quan thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Cửa Việt - Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị), Lê Xuân Thành (SN 1962, nguyên công chức Hải quan thuộc Chi cục Hải quan khu thương mại Lao Bảo - Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị), Đỗ Danh Thắng (SN 1955, nguyên công chức Hải quan thuộc Chi cục Hải quan khu công nghiệp Đà Nẵng - Cục Hải quan TP. Đà Nẵng).

Thủ đoạn tinh vi

Theo hồ sơ vụ án, ngày 21-12-2011, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) phát hiện một xe ô tô có rơmooc chở container gỗ cho Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng có vi phạm trong lĩnh vực hải quan.

Tổng cục Hải quan đã giao cho Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng phối hợp với Đội 2 - Cục Điều tra chống buôn lậu và Chi cục Hải quan Cảng Cửa Việt tiến hành khám xét toàn bộ lô hàng. Kết quả khám xét cho thấy công ty Ngọc Hưng nhập lậu và xuất lậu gỗ.

Liệu là đối tượng đã có tiền sự về việc buôn lậu. Trước đó, năm 1985, Liệu từng bị Công an tỉnh Bình Trị Thiên bắt về tội buôn bán hàng cấm. Năm 2011, UBND tỉnh Quảng Trị xử phạt Liệu về hành vi buôn lậu gỗ sưa từ Lào về Việt Nam.

Tại cơ quan điều tra, các bị cáo khai nhận, cuối năm 2011, Liệu đã mua lô gỗ trắc và giáng hương của 2 đối tượng buôn gỗ tại Lào là Đon và Hóm để bán lại cho Li Zhen Zhu (người Trung Quốc).

Do đã kinh doanh gỗ nhiều năm tại thị trường Lào, Liệu hiểu không thể sử dụng hình thức xuất khẩu trực tiếp từ Lào sang Trung Quốc cũng như không thể sử dụng hình thức tạm nhập, tái xuất để quá cảnh qua Việt Nam. Vì vậy, các đối tượng buôn lậu gỗ ở Lào và Trung Quốc đã cùng Liệu sử dụng hình thức nhập kinh doanh, xuất kinh doanh để nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam, sau đó xuất sang Trung Quốc.

Các đối tượng buôn lậu gỗ ở Lào đã làm giả bộ hồ sơ bán gỗ lim cho công ty 407 (trên thực tế công ty này không nhập loại gỗ trên) để làm thủ tục xuất khẩu với các cơ quan Hải quan, kiểm dịch, Biên phòng cửa khẩu Denasavanh (Lào).

Trong khi đó, tại cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam), Liệu sử dụng giấy khống do các đối tượng bên Lào cung cấp để làm bộ hồ sơ mua, bán các loại gỗ quý, hiếm là trắc và giáng hương từ Lào nhằm xuất trình cho các cơ quan biên phòng, kiểm dịch, hải quan Việt Nam. Do đó, tại Hải quan cửa khẩu Denasavanh, chỉ có hồ sơ lưu về công ty 407, trong khi Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo chỉ có hồ sơ lưu về công ty Ngọc Hưng.

Bằng thủ đoạn trên, với sự cấu kết của các đối tượng buôn lậu gỗ ở Lào, Liệu đã đưa được 405,300m3 gỗ trắc xẻ, 39,366m3 gỗ trắc tròn, 144,749m3 gỗ trắc tròn tận dụng gốc, cành, ngọn, 23,828m3 gỗ giáng hương xẻ, 867 sản phẩn gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam để xuất đi Trung Quốc. Tổng giá trị lô gỗ nêu trên khoảng hơn 63,6 tỉ đồng.

Về phương diện pháp lý, Trần Thị Dung là người đại diện theo pháp luật của công ty Ngọc Hưng nhưng Liệu mới là người chỉ đạo thực hiện việc nhập lậu lô gỗ trên. Tuy nhiên, Dung đã tích cực giúp sức cho chồng khi nhiều lần sang Lào gặp gỡ, thanh toán tiền cho Đon và Hóm, theo dõi, giám sát việc bốc xếp gỗ vào container, ký các hồ sơ, giấy tờ giả.

Cán bộ Hải quan thiếu trách nhiệm

Bên cạnh thủ đoạn tinh vi của cặp vợ chồng trên, sự thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra của 3 cán bộ Hải quan ở tỉnh Quảng Trị và TP. Đà Nẵng cũng khiến 21 container gỗ quý “suýt” lọt lưới, xuất khẩu trót lọt.

Tại thời điểm kiểm tra ở Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Cửa Việt, công ty Ngọc Hưng chỉ đưa đến 4 xe trong tổng số 22 xe container nhưng các bị cáo Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành vẫn làm thủ tục kiểm hóa và xác nhận đã làm thủ tục Hải quan cho toàn bộ lô hàng gồm 22 container.

Bên cạnh đó, cả hai còn không ghi số hiệu, không ghi số niêm phong của các container đã kiểm tra, chỉ kiểm tra một mặt hàng gỗ trắc xẻ trong số 4 xe container có mặt tại Cảng Cửa Việt sáng ngày 20-12-2011. Tuy nhiên, 2 cán bộ Hải quan này lại kết luận cho cả lô hàng. Ngoài ra, Nhi và Thành còn làm sai quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan.

Trong khi đó, Đỗ Danh Thắng là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng, được giao nhiệm vụ tổ chức việc khám xét theo thủ tục hành chính đối với lô hàng gỗ xuất khẩu của công ty Ngọc Hưng nhưng lại thực hiện không đúng quy định. Cụ thể, bị cáo Thắng không phổ biến kế hoạch khám xét cho các công chức thực hiện, không phân công người chủ trì việc khám xét, không chỉ đạo chuẩn bị dụng cụ, phương tiện phục vụ việc khám xét, không họp rút kinh nghiệm cũng như báo cáo cấp trên về kết quả khám xét…

Việc không tiếp tục khám xét mà giải quyết cho làm thủ tục xếp lên tàu xuất cảnh của bị cáo Thắng gây hậu quả là 21 container gỗ đã được làm thủ tục xuất cảnh, gây thất thoát 1.205 USD chi phí cho việc bốc lên và dỡ xuống 14 container…

Việc dừng xuất cảnh 21 container này là do sự chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, nằm ngoài ý muốn của bị cáo Thắng. Nếu không có sự chỉ đạo trên thì 21 container đã xuất cảnh đi Hồng Kông, Trung Quốc trót lọt.

Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

Tại phiên tòa, cả Liệu và Dung đều khẳng định không có hành vi buôn lậu vì đã đóng thuế đầy đủ, làm đúng quy trình vận chuyển gỗ… Bị cáo Liệu không đồng ý với phương pháp cân trọng lượng gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp để quy đổi ra khối lượng của các cơ quan chức năng.

Đồng thời, bị cáo Liệu đề nghị làm rõ sự khác biệt về kết quả khối lượng lô gỗ trong hai bản kết luận giám định của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật cũng như yêu cầu xác định lại ký hiệu dấu búa của Lào đối với lô gỗ.

Các bị cáo nguyên là cán bộ Hải quan đều khẳng định bản thân làm đúng quy trình, không sai phạm. Bên cạnh đó, đại diện Cục Hải quan Quảng Trị đều khẳng định hai công chức Hải quan Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành đã làm đúng thủ tục, hết trách nhiệm.

Một cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng cho rằng, các quy trình mà bị cáo Thắng thực hiện đều theo đúng quy trình, không có dấu hiệu gì cho thấy đã “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau 2 ngày xét xử căng thẳng, TAND TP. Đà Nẵng đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ nhiều vấn đề như: nguồn gốc lô hàng, khối lượng giám định khác nhau của 2 lần, số tiền thanh quyết toán…

Trâm Anh

.