Pháp luật

Đi bộ trên đường phố: Theo lệ, không theo luật

09:38, 17/06/2010 (GMT+7)

Điều 12 của Nghị định 34/2010 Chính phủ đã quy định phạt tiền  người đi bộ từ 40 đến 120 ngàn đồng với những trường hợp vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Mặc dù vậy, trên thực tế, người đi bộ vẫn đi theo lệ hơn là đi đúng luật.

Không có vạch kẻ dành cho người đi bộ, thế nhưng những người này vẫn băng qua đường. 

Ông Lê Đình Trung Nghĩa, một người gốc Đà Nẵng, đã định cư tại Canada trên 20 năm nay, khi trở về thăm quê đã có một nhận xét khá thú vị về giao thông thành phố là đi theo lệ chứ không đi theo luật. Ông giải thích: Không riêng gì tôi mà hầu như tất cả những người trước đây từng sống hoặc có biết đến Đà Nẵng đều công nhận rằng, hạ tầng giao thông thành phố rất phát triển, về căn bản đáp ứng được nhu cầu đi lại nói chung và đi bộ nói riêng.
 
Đường phố có vỉa hè rộng rãi, các lối qua đường có kẻ vạch dành cho người đi bộ, cá biệt ở một số tuyến đường mới xây còn có cả lối đi cho người khuyết tật. Thế nhưng vì sao nhiều người đi bộ lại vi phạm luật. Đơn cử, có rất nhiều người đi bộ theo kiểu “thích đi đâu thì đi”, chỗ không có vạch kẻ qua đường cũng đi. Không đi trên vỉa hè mà lại đi xuống lòng đường, thậm chí nơi có dải phân cách cao gần nửa mét cũng cố leo qua mà đi chứ không đi ở vị trí dành cho người đi bộ.
 
Điều này vô cùng lạ lẫm trong mắt người nước ngoài, vì họ không thể hiểu nổi: Vì sao người Việt Nam lại chọn kiểu đi “rước họa vào thân” như vậy? Nói vậy nhưng ông Nghĩa cũng tỏ ra “chia sẻ” với người đi bộ: Ngoài một số tuyến đường như Bạch Đằng, Trần Phú… có vỉa hè đúng nghĩa là nơi dành cho người đi bộ, còn lại hầu hết các vỉa hè chủ yếu “dành” cho buôn bán, để xe. Vì vậy, người đi bộ nếu không đi xuống lòng đường thì biết đi ở đâu?

Còn bà Lenior, một du khách người Pháp cho biết: “Tôi ấn tượng ở Đà Nẵng hai điều. Thứ nhất, tôi rất vui vì mình là một trong những người dân vùng Nord Pas de Calais quyên góp tiền ủng hộ thành phố Đà Nẵng xử lý môi trường tại hồ Đầm Rong. Và tôi đã đến tận nơi xem hồ Đầm Rong, thực sự vui mừng khi thấy những đóng góp của chúng tôi đã cải thiện rõ rệt môi trường tại đây. Thứ hai, nếu đi bộ trên đường phố Đà Nẵng thì phải biết đi theo kiểu zích zắc.

Bà kể: “Tôi đi từ Nhà hát Trưng Vương đến Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, đoạn đường chỉ vài cây số nhưng lại vô cùng căng thẳng và hồi hộp, vì cứ phải đi zích zắc: khi thì đi trên vỉa hè, lúc phải xuống lòng đường vì vỉa hè không có chỗ để đi”. Theo bà, đi bộ như vậy thì không thể khám phá thành phố Đà Nẵng, mà là “khám phá” sự dũng cảm của chính  mình.

Không thể phủ nhận rằng vài năm gần đây, hạ tầng giao thông Đà Nẵng đã có sự đổi thay. Từ những con đường được làm mới hoàn toàn như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành, Sơn Trà-Điện Ngọc… đến các con đường được nâng cấp mở rộng như đường Ngô Quyền, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Bạch Đằng…

Ở dưới lòng đường, những nơi không có dải phân cách thì có vạch sơn trắng phân làn lưu thông. Tại các vị trí ngã tư, ngã ba, hoặc những nơi cần thiết đều có kẻ vạch song song dành cho người đi bộ qua đường. Thậm chí ở một số ví trí quan trọng có mật độ lưu thông cao, điểm giao của nhiều trục đường còn được gắn thêm hệ thống đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ.

Mới đây nhất, thành phố Đà Nẵng đã lắp đặt đèn tín hiệu vàng nhấp nháy ở một số giao lộ quan trọng nhằm cảnh báo cho các phương tiện tham gia giao thông và cả người đi bộ chú ý tránh TNGT xảy ra. Thế nhưng, xem ra những nỗ lực này chưa thể vãn hồi trật tự trên lĩnh vực đi bộ. Thành phố cứ mãi tồn tại cảnh vỉa hè bị lấn chiếm hết, nên người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người dân lại đi bộ theo lệ, không cần biết mình đi có đúng luật hay chưa. Đây là hai tồn tại cần phải giải quyết dứt điểm, mới hy vọng người đi bộ đi đúng luật.

Bài và ảnh: THANH VÂN

.