.
Ký sự Pháp đình

Hối hận muộn màng

.

Chỗ đứng của người thầy không còn là bục giảng với phấn trắng, bảng đen. Lời nói của người thầy không còn để truyền đạt kiến thức. Chỗ của người thầy bây giờ là sau vành móng ngựa, lời của người thầy là để khai rõ hành vi phạm tội trước hội đồng xét xử...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngay khi chân vừa chạm vành móng ngựa ở phiên tòa phúc thẩm do TAND thành phố Đà Nẵng xét xử, ông N.V.Đ (SN 1966, ngụ quận Hải Châu) đã bật khóc nức nở. Đôi tay không ngừng run lên trong suốt phiên xử dù bị cáo cố đan chặt những ngón tay vào nhau…

Lạc lối

Theo cáo trạng, ông Đ. nguyên là giáo viên dạy môn tin học tại một trường tiểu học ở quận Hải Châu. Để tăng thêm thu nhập, ông Đ. vay mượn tiền để kinh doanh nhưng làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ. Từ đó, ông Đ. “nổ” có người quen làm ở Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Sở Điện lực thành phố Đà Nẵng… nên có khả năng xin việc vào các trường, UBND các quận, ngành điện lực. Với thủ đoạn lừa xin việc làm, từ cuối năm 2013 đến tháng 3-2014, ông Đ. chiếm đoạt của 11 bị hại với tổng số tiền 498 triệu đồng.

Đáng nói, các bị hại đều là người quen, bạn bè cùng lớp, hàng xóm, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp, giáo viên cũ của bị cáo. Tin tưởng bị cáo cũng như mối thâm tình lâu năm, họ rút toàn bộ khoản tiền dành dụm, chắt chiu được hoặc chạy vạy vay mượn tiền khắp nơi để đưa cho ông Đ. Nhưng số tiền ấy đã “một đi không trở lại” cùng lời hứa hẹn mật ngọt của ông Đ.

Cụ thể, ông Đ. từng có thời gian học tại trường sư phạm nơi bà Đ.T.T giảng dạy. Sau này, khi đến thăm cô giáo cũ, ông Đ. cho hay đã giới thiệu việc làm thành công cho nhiều người và ngỏ ý giúp “chạy việc” cho hai cháu của bà T. Tin tưởng học trò, bà T. đã đưa cho ông Đ. 65 triệu đồng. Tương tự, ông Đ. ghé nhà bạn thân học cùng lớp trước đây, đặt vấn đề xin việc cho con gái của bạn với giá 115 triệu đồng. Chiêu lừa này tiếp tục được lặp lại khi ông Đ. sang nhà hàng xóm chúc Tết, họp lớp cũ…

“Thấy mình quá sai lầm”

Mất một thời gian khá lâu để bình tĩnh lại, ông Đ. lí nhí: “Trong thời gian dạy học, bị cáo có mua bán máy vi tính để kiếm thêm thu nhập. Không ngờ là bị cáo bị bạn bè lừa gạt, phải vay mượn tiền để trả nợ. Tiền lãi cao quá nên bị cáo xoay sở không kịp. Những người cho vay nặng lãi liên tục đe dọa sẽ tới trường, tới nhà quậy phá. Bị cáo sợ ảnh hưởng đến cơ quan, sợ mất mặt, mất việc, nên mới…”. Lời biện hộ nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt hẳn.

Vị thẩm phán thở dài: “Vậy bị cáo thực hiện hành vi lừa đảo để rồi phải ra đứng trước vành móng ngựa, có ảnh hưởng đến cơ quan, có đánh đổi nhiều hơn không?”. “Dạ, bị cáo thấy mình quá sai lầm. Bị cáo hối hận nhiều lắm…”, ông Đ. đáp khẽ.

“Bị cáo hãy khai rõ số tiền thua lỗ, số tiền vay mượn, số tiền lừa gạt?”, Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu. Ông Đ. nghẹn ngào: “Lần đầu bị cáo vay mượn làm ăn rồi thua lỗ là 100 triệu đồng. Sau đó, bị cáo vay của hai người khác với lãi suất 40% và 20%/tháng. Ba năm, lãi mẹ đẻ lãi con, bị cáo phải thế chấp nhà để trả nợ mà vẫn không hết. Bị cáo bị những người này “dí” dữ quá mới làm liều. Đến khi số tiền lừa đảo nhiều quá mà vẫn bị những người cho vay nặng lãi “dí”, bị cáo cùng đường, bế tắc mới đến cơ quan công an tự thú…”.

“Mình làm ăn thua lỗ, có thể thương lượng với các đối tác kinh doanh hoặc vay ngân hàng. Bị cáo là công chức, viên chức cũng có thể vay tiêu dùng. Bao nhiêu phương án khả thi hơn, sao bị cáo không lựa chọn mà lại thực hiện hành vi lừa đảo? Bị cáo là giáo viên, cũng biết lừa đảo là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, tại sao lại làm?”. Đáp lại những câu hỏi của tòa là cái cúi đầu thinh lặng của ông Đ.

Tòa lại hỏi: “Bị cáo có hướng nào khắc phục cho các bị hại không?”. Ông Đ. nói nhỏ: “Bị cáo xin HĐXX cho bị cáo mức án thấp để sớm trở về, đi làm mới có tiền trả cho các bị hại?”. “Bị cáo đi làm được khoảng bao nhiêu một tháng?”. “Dạ, tầm 3,4 triệu đồng”. “Vậy đến bao giờ bị cáo mới trả hết được số tiền gần 500 triệu đồng”. Im lặng. “Bị cáo cũng thấy đồng tiền mình làm ra rất khó. Mình cũng phải thấu hiểu những giọt mồ hôi, công sức của những người đã gom góp tiền đưa cho mình xin việc chớ”. Vẫn là sự im lặng.

HĐXX đau đáu: “Công lao cha mẹ lo cho bị cáo ăn học, chỉ ước mong con cái sống trách nhiệm với một nghề cao quý, được xã hội trân trọng. Vậy mà bị cáo từ sai lầm này nối tiếp sai lầm khác, để đồng tiền làm tiêu tan tất cả. Không chỉ là tháng ngày lao tù, bị cáo còn đánh mất nhiều hơn thế. Bị cáo có thấy hối tiếc không?”. Mái đầu lấm tấm sợi bạc của bị cáo ngày càng cúi thấp theo mỗi câu nói của HĐXX.

7 năm tù

TAND quận Hải Châu xử sơ thẩm tuyên phạt N.V.Đ 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, buộc bồi thường cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt. Sau đó, ông Đ. có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ một phần hình phạt.

Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, TAND thành phố Đà Nẵng xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo, tuyên giảm từ 8 năm còn 7 năm tù.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.