Cảnh báo lừa đảo qua mạng

.

Dùng mạng xã hội facebook, zalo, thành lập các trang mạng để lừa đảo là những thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người liên tiếp sập bẫy…

Đội phòng, chống tội phạm công nghệ cao thực hiện lệnh bắt tạm giam một đối tượng lừa đảo dưới hình thức nạp thẻ cào.
Đội phòng, chống tội phạm công nghệ cao thực hiện lệnh bắt tạm giam một đối tượng lừa đảo dưới hình thức nạp thẻ cào.

Năm 2017, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46 – Công an thành phố Đà Nẵng) khám phá nhiều vụ án liên quan đến việc sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Điển hình, tháng 10-2017, Đội phòng, chống tội phạm công nghệ cao bắt giữ Phạm Quốc Thịnh (23 tuổi, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) về hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, từ tháng 4-2015 đến tháng 2-2017, đối tượng Thịnh cùng bạn ra Đà Nẵng nhờ người quen làm thẻ ATM tại một ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Sau đó, Thịnh sử dụng tài khoản thư điện tử lập tại trang web 10minut... .net để đăng ký tên miền, hosting.

Có được tên miền, Thịnh lấy mã về tự chỉnh sửa đăng tin lừa đảo trúng thưởng lên các trang web do mình lập ra như thongbaosukien24h.com, thongbaonhanqua.com… Ngoài ra, Thịnh tìm hiểu và sử dụng phần mềm Fplus tải từ mạng để gửi tin nhắn trúng thưởng qua facebook cho nhiều người.

Đối tượng này còn sử dụng 10 số điện thoại là sim rác của các nhà mạng để khi bị hại gọi đến hoặc điền thông tin thì Thịnh sẽ liên lạc để thông báo trúng thưởng xe máy SH, phiếu quà tặng trị giá 100 triệu đồng và 1 năm sử dụng xăng miễn phí. Qua đó, Thịnh đã lừa đảo của gần 50 người với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 6, Phòng PC46 bắt giữ Nguyễn Trường Xuân (19 tuổi, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) về hành vi nói trên. Thủ đoạn của Xuân là lập trang web giả mạo có giao diện giống với trang mạng của một công ty về giải trí và thể thao điện tử thông báo cho người chơi việc trúng thưởng.

Do tin tưởng, các nạn nhân đã nạp thẻ cào điện thoại qua trang web. Khi đó, Xuân sẽ lấy số thẻ và số se-ri thẻ nạp rồi quy đổi ra tiền mặt. Theo thống kê, Xuân đã lừa đảo được 1.400 thẻ cào với số tiền hàng chục triệu đồng.

Theo cơ quan công an, việc lừa đảo nhiều nhất chủ yếu là đổi quà, nạp thẻ cào điện thoại và lừa đảo trúng thưởng. Thủ đoạn không mới nhưng số người “sập bẫy” gia tăng trong cả nước. Khi đối tượng thông báo trúng thưởng, do không kiểm chứng và thiếu hiểu biết, nhiều người tưởng trúng thưởng thật và đã làm theo các hướng dẫn của đối tượng.

Các đối tượng khi tấn công vào tài khoản mạng xã hội facebook, zalo của người khác đã vào tiểu sử và lịch sử trò chuyện, sau đó nghiên cứu rất kỹ, hành sự tinh vi khiến bị hại không thể ngờ. “Một bộ phận phụ nữ nhắn tin trên mạng với đối tượng nước ngoài để trò chuyện, tán tỉnh.

Lúc tình cảm thân thiết, đối tượng nước ngoài nói gửi quà về tặng và để được nhận quà lớn, người nhận phải chuyển vào tài khoản thông quan hàng hóa. Cứ thế, nhiều phụ nữ tiền mất nhưng quà thì vĩnh viễn không thể nào đến tay”, lãnh đạo Đội phòng, chống tội phạm công nghệ cao cho hay.

Một nguyên nhân nữa mà theo Phòng PC46 là sự lỏng lẻo của ngành ngân hàng trong việc cấp thẻ ATM và từ phía các nhà mạng khi không quản lý được sim rác, không quản lý chặt các trang mạng xã hội. Sự phối hợp giữa ngành ngân hàng và các nhà mạng cũng chưa chặt chẽ. Điều này gây khó khăn cho việc điều tra, xác minh của cơ quan Công an để truy tìm đối tượng lừa đảo.

Đại tá Võ Văn Lanh, Phó phòng PC46 cho biết, thời gian qua, ngoài việc đấu tranh, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức để nâng cao cảnh giác cho người dân. Đại tá Lanh khuyến cáo người dân khi nhận được các thông báo trúng thưởng, cần xác minh và tuyệt đối không chuyển tiền hoặc thẻ cào điện thoại dưới bất cứ hình thức nào. Nếu đã chuyển tiền phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển, nếu đã nạp thẻ cào điện thoại thì giữ lại thẻ cào có lưu mã thẻ nạp, số se-ri để cung cấp cho cơ quan Công an xử lý.

Trước hình thức lừa đảo này, mới đây, Đại tá Trần Mưu, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ký công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông có biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn, cảnh báo người dân về rủi ro khi truy cập các trang web lừa đảo. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã lập danh sách 25 trang mạng có dấu hiệu lừa đảo để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó để cảnh giác cho người dân…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.
.