Pháp luật & Công dân

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6-2018

.

Tiêu chuẩn mới đối với công chức làm việc tại bộ phận một cửa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 21-6-2018. Theo đó, tại bộ phận một cửa, bố trí khu vực cung cấp thông tin, thủ tục hành chính; khu vực tiếp nhận và trả kết quả được chia thành từng quầy tương ứng với từng lĩnh vực khác nhau; bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn để viết, máy tính có kết nối mạng dành cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; lắp đặt camera theo dõi toàn bộ khu vực làm việc của bộ phận một cửa có kết nối với cơ quan Nhà nước cấp trên và trong toàn hệ thống; bố trí khu vực đặt các trang thiết bị: máy lấy số tự động kết nối tới hệ thống thông tin một cửa điện tử…

Cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại trụ sở bộ phận một cửa và tại cơ quan có thẩm quyền không được thực hiện các hành vi: cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính; cản trở tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức nộp hồ sơ, nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

Các hành vi cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận dữ liệu điện tử; thay đổi, xóa, hủy, giả mạo, sao chép, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ nội dung dữ liệu thực hiện thủ tục hành chính; tiết lộ thông tin về hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thông tin đó để trục lợi... cũng là hành vi cấm được quy định trong nghị định này.

Ngoài ra, Nghị định 61 nêu rõ, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua các cách thức theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính gồm: Trực tiếp tại bộ phận một cửa; Thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật; Trực tuyến tại cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Hộ nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 5-6-2018. Theo đó, Nghị định 58 quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.

Theo đó, những đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau; vật nuôi: Trâu, bò, lợn, gia cầm; nuôi trồng thủy sản; tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.

Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường sẽ được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Các rủi ro được hỗ trợ bảo hiểm bao gồm: Rủi ro thiên tai; rủi ro dịch bệnh và dịch hại thực vật. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế.

Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu hồi cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại sau khi đã bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Diệu Minh tổng hợp

;
.
.
.
.
.
.