N.A.H (SN 1982, ngụ huyện Hòa Vang) từng đứng ở tòa nhiều lần để xin hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Thế mà, lần mới đây nhất, vừa mãn hạn tù, H. lại trở về con đường cũ, tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bị cáo 36 tuổi, ra tòa với lý lịch chằng chịt vết hằn lao lý, gồm: 2 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, 5 tiền sự về các hành vi trộm cắp, đánh nhau…
Vậy mà, H. vẫn không rút ra bài học sau tháng ngày dài nơi chốn lao tù để tu chí làm ăn, chăm lo cho tổ ấm nhỏ có 3 đứa con thơ dại. Lần này, vừa mãn hạn tù, H. liền chuẩn bị dụng cụ như kìm bấm, cờ-lê, tuốc-nơ-vít, mỏ-lết, thanh sắt dài để “hành nghề”. Đối tượng mà H. nhắm đến là các dãy phòng trọ cho sinh viên thuê vì biết sinh viên thường có máy tính xách tay, điện thoại di động là tài sản có giá trị, dễ tiêu thụ; đồng thời, nhà trọ dễ đột nhập và không nhiều người quản lý.
H. thường rảo quanh các phòng trọ vào thời điểm buổi sáng, ít người ở nhà vì đi học hoặc đi làm. Thấy nơi nào vắng, H. tiếp cận, giả vờ hỏi thuê phòng trọ để quan sát và lợi dụng sơ hở của mọi người để cạy cửa phòng trộm cắp. Với thủ đoạn này, chỉ trong vòng nửa năm, từ tháng 5 đến tháng 10-2017, H. đã phá khóa cửa, đột nhập các phòng trọ tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu và trộm cắp tài sản của hơn 40 bị hại với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt gần 90 triệu đồng. Khi thực hiện các phi vụ “đạo chích”, H. rất liều lĩnh, luôn mang theo dao nhọn, roi điện và từng nhiều lần sử dụng các hung khí này chống trả bị hại để tẩu thoát.
Đứng trước tòa, bị cáo khai việc đi trộm cắp là do “quen tay không dứt ra được”. Không nhận ra chút hối lỗi, ăn năn nào trên gương mặt bị cáo. Đối lập với gương mặt dửng dưng của H. là những gương mặt khắc khổ ngập tràn nỗi lo lắng cùng các đôi mắt hoe đỏ của người nhà bị cáo.
Tòa chất vấn: “Với nhiều sinh viên, chiếc máy tính xách tay hay điện thoại di động là cả gia tài mà cha mẹ ở quê phải còng lưng, tảo tần sớm khuya, thậm chí phải vay mượn chỗ này, chỗ kia mới có đủ tiền để chu cấp cho việc học của con. Bị cáo lấy đi tài sản của các bị hại, có bao giờ nghĩ đến những phận đời phải lao đao, khốn khổ vì lòng tham, sự ích kỷ của bị cáo không?”. Bị cáo im lặng.
Hội đồng xét xử dành nhiều thời gian để nhắc đi nhắc lại nỗi trăn trở: “Chẳng lẽ, bị cáo định sống bằng việc trộm cắp mãi hay sao?”, “Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có nghĩ đến vợ và ba con thơ đang cần người đàn ông trụ cột trong gia đình để tựa nương, làm chỗ dựa không? Bị cáo không nghĩ đến nỗi nhọc nhằn vợ khi phải một mình chăm lo cho các con trong chừng ấy thời gian bị cáo ở trong tù hay sao? Các con bị cáo chưa được vui với niềm vui có cha ở nhà chưa bao lâu, bị cáo nỡ lòng nào tước đoạt nụ cười của các con…”.
Có lẽ, hội đồng xét xử muốn khơi dậy trong sâu thẳm người đàn ông ấy chút trách nhiệm làm chồng, chút tình thương của người cha. Nhưng câu trả lời nhận được lại là mái đầu cúi thấp cùng lời ậm ừ cho qua của bị cáo và tiếng khóc nức nở từ phía hàng ghế dự khán. Cuối cùng, TAND quận Hải Châu đã tuyên phạt H. 4 năm 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Chẳng biết, sau lần phạm tội này, H. có chịu quay trở về nẻo thiện hay vẫn lầm đường lạc lối theo vết lằn lao lý lâu nay. Cũng không biết đến bao giờ vợ và con của bị cáo mới thoát khỏi cảnh ngóng chồng, trông cha (?!).
Trên hành trình cuộc đời của mỗi người sẽ có nhiều cánh cửa xuất hiện. Quyết định mở cánh cửa nào là chọn lựa của mỗi cá nhân. Thế nhưng, chọn lựa ấy không chỉ ảnh hưởng đến cuộc đời của riêng họ mà còn ảnh hưởng đến cả những người khác, như vợ và con của bị cáo trong vụ án trên. Chỉ hy vọng, mỗi người đều sáng suốt lựa chọn mở cánh cửa đúng để không làm khổ người thân…
NAM BÌNH