Mạnh tay xử lý cho vay nặng lãi

.

Tình trạng cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.  Trước thực trạng này, Công an thành phố đang triển khai các giải pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn, hạn chế hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.

3 đối tượng cho vay nặng lãi bị Công an quận Sơn Trà khởi tố.
3 đối tượng cho vay nặng lãi bị Công an quận Sơn Trà khởi tố.

Giải ngân trong... 15 phút và trả lãi cao

Trong vai một người cần tiền gấp để trả nợ, phóng viên Báo Đà Nẵng gọi vào số điện thoại 0906.567.1... dán trên trụ điện tại đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu) thì gặp một thanh niên. Nghe có người cần vay 50 triệu đồng để trả nợ gấp, thanh niên này trả lời chắc nịch: “Chỉ làm thủ tục trong 15 phút là giải ngân ngay!”. Kèm theo đó, anh này nêu các điều kiện như cung cấp địa chỉ nơi ở, nơi làm việc, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu photocopy và giấy khai sinh của các con. Khi được hỏi cách thức trả tiền, người này nói gọn: “Thời hạn 40 ngày. Hằng ngày, nhân viên sẽ đến tận nhà thu 1,5 triệu đồng cho đến khi hết”. Như vậy, nếu người vay 50 triệu thì trong vòng 40 ngày phải trả 10 triệu đồng tiền lãi. Vay nóng kiểu này con nợ sẽ phải chấp nhận mức lãi suất 15%/tháng và 180%/năm, cao hơn 16 lần so với ngân hàng!

Theo ghi nhận, trên nhiều khu dân cư, đặc biệt ở các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, thông tin về quảng cáo cho vay được dán đầy ở các trụ điện, bờ tường. Tại tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Như Xương, Trường Chinh... nhiều tờ rơi còn mới toanh dán chằng chịt với các nội dung như: cho vay tiền nhanh, lãi suất thấp, đóng (30-40-50 ngày); cầm đăng ký xe (80% giá trị xe), không thế chấp, lãi suất ưu tiên, bảo mật thông tin (giới thiệu có hoa hồng)...

Bà L.T.T. (trú phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) ngày 14-5-2018 do kẹt tiền đã vay của một công ty tài chính ở địa bàn quận Sơn Trà 12 triệu đồng, thời hạn 40 ngày, tuy nhiên, khi vay thì bà phải viết giấy vay tiền 14,4 triệu đồng trong thời gian 40 ngày. Hoàn cảnh khó khăn, hằng ngày mở mắt ra, dù kiếm được tiền hay không bà cũng phải trả 360.000 đồng. Chỉ 40 ngày, bà T. mất 2,4 triệu tiền lãi!

Tương tự, chị N.T.M.L. (SN 1989, trú quận Thanh Khê) thông qua số điện thoại dán cho vay tiền trên trụ điện đã vay 20 triệu đồng và phải viết giấy vay 24 triệu đồng; mỗi ngày trả 800.000 đồng. Ông H.K.T. (SN 1966, trú quận Hải Châu) cũng vay của một đối tượng đến từ Hải Phòng số tiền 70 triệu đồng trong thời hạn 40 ngày và phải “cắn răng” trả lãi 14 triệu đồng. Hằng ngày, nhân viên của công ty cho vay đến nhà ông H. thu 2,1 triệu đồng...

Theo lực lượng công an, hầu hết các đối tượng cho vay đến từ các tỉnh khác. Việc cho vay lãi suất cao gây nhiều bất ổn cho xã hội. Đây là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích, thậm chí giết người. Điển hình, vào tháng 7-2018, anh Nguyễn T.N. (trú quận Liên Chiểu) vay 5 triệu đồng của đối tượng tên Cường (Công ty Bắc Nghĩa Cường, trú ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang). Do chậm trả lãi nên đến hạn trả tiền gốc, anh N. bị Cường phạt 3 triệu đồng. Khi anh N. đến công ty trả tiền và không đồng ý mức Cường đưa ra thì Cường tắt camera rồi cùng một đối tượng khác đánh anh N., ép viết giấy cầm xe máy với giá 8 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, cuối tháng 6-2018, tại địa bàn quận Sơn Trà xảy ra vụ giết người rồi giấu xác phi tang nhằm quỵt số nợ vay gần 200 triệu đồng.

Không để tồn tại hoạt động cho vay nặng lãi

Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, mấy tháng gần đây, tình trạng cho vay nặng lãi bắt đầu xuất hiện mạnh ở Đà Nẵng. Đối tượng phần lớn đến từ Hải Phòng, Hà Nội và một số tỉnh khác. Đối tượng vay tiền là những người có nhu cầu cần tiền gấp và chủ yếu rơi vào hộ nghèo, sinh viên. Trước thực trạng đó, Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo toàn lực lượng cảnh sát hình sự vào cuộc đấu tranh, ngăn chặn. Từ cuối tháng 9-2018 đến nay, Cảnh sát Hình sự đã khảo sát, lên danh sách, tổ chức kiểm tra toàn bộ hoạt động tín dụng, nếu cho vay vượt quá quy định của Nhà nước thì kiên quyết xử lý và xử lý hình sự.

Trong khi đó, theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố, cơ quan công an đã lập danh sách theo dõi, giám sát 326 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. Trong số này có 262 đối tượng thường trú trên địa bàn và 64 đối tượng ngoại tỉnh (chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc như: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh) tới Đà Nẵng để hoạt động. Ngoài ra, Công an thành phố còn phát hiện 13 đơn vị núp bóng doanh nghiệp có biểu hiện cho vay nặng lãi. Từ đầu năm đến nay, lực lượng đã xử lý 46 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê; đồng thời đang củng cố hồ sơ để xử lý hơn 10 vụ việc tương tự...

Điển hình, trong tháng 9-2018, Công an quận Liên Chiểu củng cố hồ sơ, xử lý nhóm 6 đối tượng từ thành phố Hải Phòng vào Đà Nẵng cho vay nặng lãi gồm: Nguyễn Trung Công (SN 1988), Mai Văn Tùng (SN 1992), Trần Văn Nam (SN 1994), Đào Hồng Quân (SN 1990), Đinh Quang Hoàn (SN 1990) và Mai Văn Tùng (SN 1992). Bước đầu xác định, từ tháng 6-2018, nhóm này đến Đà Nẵng thuê nhà ở đường Nguyễn Xí (phường Hòa Minh) để hoạt động cho vay lãi suất cao. Kết quả, đã có nhiều người dân bị mắc “bẫy”. Trong tháng 9-2018, Công an huyện Hòa Vang phát hiện, xử lý đối tượng từ các tỉnh phía Bắc đến địa phương tổ chức cho vay nặng lãi.

Vì số tiền cho vay ít (khoảng 5-10 triệu đồng), thu lãi và gốc hằng ngày nên có nhiều người tham gia dịch vụ này. Qua đấu tranh, đối tượng thừa nhận đã cho trên 80 người vay với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Cuối tháng 10 vừa qua, Công an quận Sơn Trà khởi tố 3 đối tượng Đỗ Ngọc Hiếu (SN 1999, trú thành phố Hải Phòng), Nguyễn Vạn Kim (SN 1995, trú huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) và Nguyễn Trọng Tuấn (SN 1996, trú Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi “cho vay nặng lãi”. Điều tra ban đầu, nhóm này cho nhiều người vay với số tiền 10-70 triệu đồng, thời hạn 40 ngày, lãi suất lên đến 15%/tháng.

Theo Đại tá Trần Mưu, từ nay đến cuối năm, Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến hoạt động và đấu tranh có hiệu quả với các cá nhân, tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi; đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý hành chính như kiểm soát về hoạt động cư trú. Người dân cũng nên hết sức nêu cao tinh thần cảnh giác, đừng vì thiếu hiểu biết vướng vào “bẫy” cho vay nặng lãi của các đối tượng để rồi dẫn đến hệ lụy xấu.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.