Các quyết định được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn theo quy định của pháp luật về điều tra, tố tụng.
Chi nhánh Công ty Cổ phần Địa ốc đầu tư và phát triển 108 (Tập đoàn Địa ốc Alibaba) khai trương trái phép tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN) |
Ngày 24-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thái Luyện (sinh năm 1985, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần địa ốc Alibaba) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Trước đó ngày 18-9, Cơ quan điều tra đã thi hành Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định gia hạn tạm giữ đối với Nguyễn Thái Luyện để phục vụ công tác điều tra.
Các quyết định được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn theo quy định của pháp luật về điều tra, tố tụng.
Qua kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan Công an đã xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện, Tổng giám đốc Công ty Alibaba lập ra Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên đã thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp giao cho các cá nhân đứng tên và tự “vẽ” ra nhiều dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... rồi tổ chức quảng cáo là đất dự án để bán cho các khách hàng với số lượng hàng ngàn người và số tiền thu được lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Ngày 13-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan; đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngày 18-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thi hành các Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh tại trụ sở và các chi nhánh của Công ty Alibaba trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Kết quả khám xét ban đầu, Công an đã thu giữ 376 thùng tài liệu, hơn 9 tỷ đồng, 257 miếng kim loại màu vàng, 20 thỏi kim loại màu vàng, 3 xe ô tô, 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã triệu tập nhiều lãnh đạo của 22 công ty con của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba lên làm việc.
Từ năm 2017 đến tháng 5-2019, Alibaba đã thành lập 22 pháp nhân, sử dụng người thân quen tin cẩn, người trong gia đình đứng tên đại diện pháp luật để ký nhiều hợp đồng mua các khu đất có mục đích sử dụng không phải là đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận.
Trong số những người này, đáng chú ý có Nguyễn Thái Lực (em ruột Luyện) là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại địa ốc Xanh (địa chỉ tại Bà Rịa-Vũng Tàu) và Công ty cổ phần Địa ốc Long Thành ALI (địa chỉ tại Đồng Nai); bà Võ Thị Thanh Mai (vợ của Luyện, phụ trách pháp lý cho Alibaba), là người đứng tên Giám đốc hai Công ty Cổ phần Alibaba Law Firm và Công ty TNHH Xây dựng Maluna.
Ghi nhận nhiều ngày qua, ngày nào cũng có hàng chục người dân tới trụ sở Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Thành phố Hồ Chí Minh (đường 3/2, quận 10) để tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty Alibaba với Cơ quan điều tra.
Hiện Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung lực lượng tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ; phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế Bộ Công an, Công an các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận mở rộng điều tra vụ án để xử lý các đối tượng khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Theo Vietnam+