Tòa đã tuyên phạt các bị cáo về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Trong đó, bị cáo Võ Mạnh Cường nhận mức án cao nhất.
Sau 6 ngày xét xử, chiều nay (1-10), TAND TPHCM đã tuyên án vụ “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty VN Pharma đối với 12 bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng. |
Tòa đã tuyên phạt các bị cáo về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, đối với Võ Mạnh Cường 20 năm tù; Nguyễn Minh Hùng 17 năm tù; Nguyễn Trí Nhật 12 năm tù; Ngô Anh Quốc 11 năm tù, cùng với 5 năm tù của bản án của TAND Tối cao, tổng là 16 năm tù; Phan Xuân Thiện 7 năm tù; Lê Thị Vũ Phương 5 năm tù; Phan Cẩm Loan 7 năm tù; Bùi Ngọc Duy 6 năm tù; Phạm Văn Thông 5 năm tù; Hoàng Trúc Vy 3 năm tù cho hưởng án treo, giao cho chính quyền địa phương quản lý giám sát giáo dục; bị cáo Phạm Anh Kiệt 3 năm tù và Phạm Quỳnh Trang 4 năm tù.
Bên cạnh đó, cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ hoặc làm các nghề liên quan đến y tế trong vòng 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Ngoài ra, các bị cáo phải giao nộp vào ngân sách nhà nước hàng chục tỉ đồng thu lợi bất chính từ việc buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Đồng thời tịch thu tiêu hủy toàn bộ 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg đang thu giữ trong vụ án.
Bị cáo Võ Mạnh Cường bị áp giải. |
HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSND Tối cao nhanh chóng điều tra xử lý các phần tách ra của vụ án. Bởi vì trong quá trình xét hỏi và các tài liệu liên quan vụ án thể hiện đối tượng Raymundo có ảnh nhận dạng của bị cáo Cường, bì thư nhà máy Helix do Raymundo gửi cho bị cáo Cường, email trao đổi qua lại giữa bị cáo Cường và Raymundo, hồ sơ xuất nhập cảnh đối tượng nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam.
HĐXX cho rằng vai trò của đối tượng Raymun trong vụ án rất lớn, là người cung cấp thuốc H-Capita cùng với các hồ sơ giả cho các bị cáo. Đặc biệt, đối tượng này cũng qua lại Việt Nam nhiều lần. Để tránh bỏ sót tội phạm, HĐXX đề nghị cơ quan điều tra xác minh các hành vi liên quan. Có đủ căn cứ sẽ đề nghị xử lý theo quy định pháp luật.
Thông qua vụ án, HĐXX nhận thấy có hiện tượng các công ty kinh doanh nhập khẩu thuốc nâng khống thuốc thông qua hợp đồng nhập khẩu, sau đó nhận lại số tiền này thông qua các công ty chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam và sử dụng số tiền này phục vụ cho việc cạnh tranh thị trường dược phẩm.
Việc này khiến tình trạng giá thuốc cao hơn so với thực tế, gây ảnh hưởng đến người dân. Vì vậy HĐXX đề nghị Bộ Y tế rà soát lại giá các loại thuốc, đặc biệt là các loại thuốc nhập khẩu, nhằm điều chỉnh lại giá để phù hợp đúng với giá trị và chất lượng của thuốc.
Chủ tọa Phạm Lương Toản cho biết, đối với việc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc hiện nay, vẫn còn những lỗ hổng về pháp lý dễ dàng để các đối tượng xấu lợi dụng để nhập khẩu và sản xuất thuốc kém chất lượng. Một số cán bộ nhân viên hoạt động trong ngành y tế vẫn chưa chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế, mà còn mang tính đối phó. Do đó đề nghị Cục quản lý Dược rà soát lại các quy định cũng như quy trình cấp phép.
HĐXX cũng cho rằng, tại phiên tòa, đại diện VKSND TPHCM có ý kiến về việc trong quá trình điều tra, ông Ngô Nhật Phương đã trực tiếp giao cho cơ quan an ninh điều tra 10 tài liệu có liên quan đến công văn 77 của Bộ Y tế, tại thời điểm đó công văn này chưa được giải mật. Ông Phương khai nhận những tài liệu do quan hệ cá nhân mà có.
Đại diện VKSND TPHCM cho rằng, sự việc có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước, vì để các cá nhân không có thẩm quyền có được tài liệu mật của Bộ Y tế. Vì vậy đại diện VKS đề nghị các cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành xác minh làm rõ các tổ chức cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến các tài liệu mật của Bộ Y tế trong vụ án này./.
Theo VOV