Hiện nay, các chương trình tuyên truyền về tác hại của ma túy trên địa bàn thành phố không chỉ tăng về số lượng mà còn chuyển biến về chất lượng. Qua đó, giúp thanh, thiếu niên nhận thức tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp đối với sức khỏe tinh thần, thể chất và cuộc sống, từ đó tự trang bị những kỹ năng cần thiết để chủ động tránh xa và nói “không” với ma túy.
Hội viên các CLB Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy tham gia chương trình sinh hoạt cộng đồng do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức. Ảnh: THANH SƠN |
Trong không gian tĩnh lặng, lờ mờ tối, 21 “xác chết” phủ khăn trắng, lời tâm sự đẫm nước mắt của một cô bé lỡ sa vào con đường ma túy, mặc kệ mẹ đang bị suy thận giai đoạn ba cất lên chậm rãi. Khi câu chuyện của cô gái chấm dứt thì một giọng nam trầm vang lên: “Bây giờ nếu các con chỉ còn hai tiếng, một tiếng đồng hồ rồi 30 phút sống trên đời, phải nói một điều duy nhất thì các con sẽ nói gì, với ai?”.
Đèn bật sáng, những tấm khăn trắng rơi xuống, nhiều khuôn mặt đẫm nước mắt, tiếng khóc nghẹn vang lên. Chiếc micrô được chuyển một vòng tròn để 21 em chia sẻ những suy nghĩ của mình: “Con sẽ về nhà xin lỗi ba, mẹ”, “Con sẽ dừng lại không chơi thuốc nữa”, “Con sẽ bỏ đám bạn xấu tập trung học hành để ba mẹ vui”...
Đó là nội dung của bài tập “Thử một lần chết để sống thật” trong chương trình Tập huấn kỹ năng sống dành cho những thanh, thiếu niên có nguy cơ cao nghiện ma túy vừa được Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam và một số phường của thành phố tổ chức ngày 9-7 vừa qua. Ông Hoàng Trọng Nghĩa, chuyên viên Tổ chức Tầm nhìn thế giới - người trực tiếp điều hành bài tập “Thử một lần chết để sống thật” cho biết, có không ít em chưa một lần nói lời “xin lỗi” hoặc “cảm ơn”, vậy mà qua bài tập, các em đã lần đầu tiên mạnh dạn tâm sự. Đây là dấu hiệu đáng mừng, khởi đầu cho một chặng đường dài nỗ lực để nói “không” với ma túy của các em.
Em T.T.L (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), từng 2 lần tham gia thử thách với bài tập “Thử một lần chết để sống thật”, tâm sự: “Con ý thức được việc mình kết thân với nhóm bạn xấu là sai, khiến ba mẹ buồn, khóc là điều không nên nhưng con vẫn ương bướng để chứng tỏ mình. Sau khi tham gia bài tập này thì con hiểu, làm bạn với ma túy và bạn xấu chắc chắn không phải là cách để khẳng định mình. Bây giờ con đã quay trở lại trường học và luôn sẵn sàng chia sẻ với thầy cô, ba mẹ khi cần có sự giúp đỡ, để tránh xa ma túy”.
Là thành viên đồng hành chương trình dạy kỹ năng nói “không” với ma túy, cô giáo Trần Thị Thu Hường, giáo viên Trường Giáo dưỡng số 3 phân tích, lâu nay việc tuyên truyền để trẻ em nói “không” với ma túy chủ yếu tập trung ở lý thuyết khô khan, thiếu hướng dẫn kỹ năng một cách sinh động để giúp các em ghi nhớ và cảnh giác. Giờ đây, chương trình dạy kỹ năng “nói không” với ma túy đã có nhiều thay đổi.
Cô Hường nêu ví dụ: “Bên cạnh lý thuyết, chúng tôi sẽ mời các em tham gia tiểu phẩm theo kiểu một em đóng vai rủ rê bạn chơi ma túy và một em đóng vai người tìm mọi cách, lý lẽ để từ chối, hoặc tình huống một bạn rủ đi ăn cắp để kiếm tiền mua ma túy và bạn còn lại phải thuyết phục bạn từ bỏ kế hoạch xấu... Kiểu tuyên truyền này rất hiệu quả khi luôn xuất hiện tình huống bất ngờ, buộc các em phải vận dụng mọi kỹ năng, lý lẽ để từ chối, sau đó thầy cô và bạn bè sẽ cùng có ý kiến góp ý để các em có phương án từ chối hiệu quả nhất”.
Khoảng 2 năm trở lại, các chương trình tuyên truyền về tác hại của ma túy không chỉ tăng về số lượng mà còn có sự chuyển biến về chất lượng khi dạy các em kỹ năng cần thiết để nói “không” với ma túy. Đặc biệt, vào dịp hè, các địa phương đều có sự phối hợp rất chặt chẽ với Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Công an... tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các em về kỹ năng ứng xử cụ thể nếu rơi vào tình huống bị kẻ xấu rủ rê dùng ma túy. Điển hình như trong Tháng hành động vì trẻ em 2020 vừa qua, tại các buổi sinh hoạt khu dân cư trên địa bàn các phường ở quận Hải Châu, lực lượng Công an đã kể những câu chuyện thực tế về các trường hợp cụ thể bị dụ dỗ sa chân vào con đường nghiện ngập.
Sau đó, các thanh, thiếu niên còn được tận mắt xem để biết và tránh các loại ma túy “núp danh” dưới dạng thuốc lắc, kẹo ngậm, tem giấy, bóng cười, nấm ngọt... Các thanh, thiếu niên trên địa bàn huyện Hòa Vang tham gia ngày hội “Sống là người tử tế” để nắm các thông tin về phòng tránh ma túy, lắng nghe những câu chuyện cảm động về những tấm gương đồng trang lứa vượt qua cám dỗ ma túy, trở thành người tốt.
Tại quận Sơn Trà, lực lượng Đoàn Thanh niên, Công an, ngành Văn hóa - thông tin... đến từng quán cà phê, giải khát trên địa bàn - những địa điểm tập trung nhiều thanh, thiếu niên để trò chuyện, giúp các em nhận biết các dạng ma túy để chủ động phòng tránh.
THANH VÂN