Đây là quy định tại Thông tư số 51/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia xuất để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và quản lý kinh phí bảo đảm cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ.
Thông tư nêu rõ, bộ, ngành quản lý lĩnh vực, UBND cấp tỉnh, đơn vị, tổ chức sau khi nhận hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; bảo đảm không thất thoát, lãng phí.
Nghiêm cấm việc bán, đổi hàng để tạo nguồn bù đắp các chi phí, hoặc sử dụng sai mục đích. Trường hợp không sử dụng hết số hàng đã tiếp nhận (sau khi kết thúc việc cứu trợ, hỗ trợ) phải theo dõi, bảo quản, quản lý chặt chẽ và chỉ sử dụng vào mục đích để cứu trợ, hỗ trợ.
Bộ, ngành quản lý lĩnh vực, UBND cấp tỉnh, đơn vị, tổ chức sau khi nhận hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia đúng mục lập hồ sơ theo dõi, hạch toán, báo cáo tình hình quản lý và sử dụng đối với hàng dự trữ quốc gia được cấp theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
Đối với hàng dự trữ quốc gia được sử dụng nhiều lần phải mở sổ sách theo dõi chi tiết theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước và phải thực hiện chế độ bảo quản, bảo dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật của cơ quan quản lý chuyên trách để hàng dự trữ quốc gia được cấp luôn đảm bảo về chất lượng, sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có nhu cầu sử dụng.
Đối với các mặt hàng dự trữ quốc gia phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn đã xuất cấp cứu trợ, hỗ trợ mà không còn nhu cầu sử dụng, sau khi kiểm tra hàng nếu bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hàng dự trữ quốc gia thì nhập lại kho dự trữ quốc gia nơi xuất hàng để tiếp tục bảo quản theo quy định...
Theo Chinhphu.vn