Báo Đà Nẵng nhận được đơn của bà Lê Thị Ánh (SN 1967, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) hỏi: Người làm việc trong cơ quan Nhà nước, ở vị trí hoạt động không chuyên trách nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), khi nghỉ việc theo chế độ tinh giản biên chế được quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-04-2019 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, có hiệu lực ngày 25-6-2019 (Nghị định 34) thì có được hưởng quyền lợi gì không?
Cụ thể, bà Ánh cho hay, bà bắt đầu làm việc tại UBND phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) từ tháng 4-1998 ở vị trí không chuyên trách. Năm 2004, bà được UBND phường đóng BHXH cho đến nay. Năm 2020, bà Lê Thị Ánh đang là Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường nhưng do nằm trong diện tinh giản theo Nghị định 34 nên bà được UBND phường cho thôi việc theo Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 1-8-2020.
Khi giải quyết chế độ nhận tiền hỗ trợ, bà Ánh chỉ nhận chế độ hưu trí và được tính với số năm đóng BHXH, còn những năm trước đó không được tính hỗ trợ (tổng cộng 69 tháng, tương đương gần 6 năm công tác). Bà Ánh hỏi: “Người hoạt động không chuyên trách nhưng không được đóng BHXH thì khi nghỉ việc (theo chế độ tinh giản biên chế theo Nghị định 34) có được hưởng quyền lợi gì không? Nếu không thì cho tôi biết vì sao?”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, luật sư Lê Cao, Công ty Luật FDVN (địa chỉ 99 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu) cho biết, trước khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2016 thì người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Vì vậy, khoảng thời gian mà bà Ánh công tác tại UBND phường An Hải Tây từ tháng 4-1998 đến hết tháng 12-2003 là thời gian bà Ánh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Hiện nay, Luật BHXH 2014 hiện hành và các văn bản pháp luật có liên quan cũng chưa có bất kỳ quy định nào về việc đóng bổ sung BHXH bắt buộc cho thời gian công tác trước đây đối với người hoạt động không chuyên trách. Do đó, trong khoảng thời gian công tác của bà Lê Thị Ánh từ tháng 4-1998 đến hết tháng 12-2003 sẽ không được tính là thời gian tham gia BHXH để được đóng bổ sung hoặc cộng dồn vào thời gian tham gia BHXH. Như vậy, thời gian được tính đóng BHXH của bà Lê Thị Ánh tại UBND phường An Hải Tây là từ tháng 1-2004 cho đến hết tháng 7-2020 (tức 16 năm, 4 tháng).
Theo luật sư Lê Cao, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 34 thì bà Lê Thị Ánh thuộc diện tinh giản do dôi dư người không hoạt động chuyên trách ở cấp xã theo quy định tại Khoản 4 Điều 2. Khi thôi việc, ngoài các chế độ quy định hiện hành của Luật BHXH về hưu trí thì tại Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 277/2019/NQ-HĐND ngày 12-12-2019 của HĐND thành phố Đà Nẵng quy định về số lượng, chức danh người hoạt động không chuyên trách phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có hiệu lực ngày 1-1 2020 còn quy định về chính sách tinh giản đối với người hoạt động không chuyên trách như sau: Cứ mỗi năm tham gia công tác có đóng BHXH thì được hưởng 1,5 lần mức phụ cấp hiện hưởng hằng tháng. Nếu thời gian công tác có số tháng lẻ thì số tháng lẻ này được tính theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Như vậy, ngoài chế độ hưu trí thì bà Lê Thị Ánh trong 16,5 năm công tác (vì có 4 tháng lẻ nên được làm tròn thành 1/2 năm) có tham gia BHXH thì cứ mỗi năm sẽ được hưởng 1,5 lần mức phụ cấp hiện hưởng hằng tháng. Cụ thể, chính sách tinh giản được hưởng = 16,5 x 1,5 x mức phụ cấp hiện hưởng hằng tháng (trong đó mức phụ cấp hàng tháng là 1,14 mức lương cơ sở).
Xét theo những nội dung trên, nếu bà Lê Thị Ánh chỉ nhận được chế độ hưu trí sau khi thôi việc do tinh giản thì bà Ánh có quyền kiến nghị đến cơ quan chủ quản nơi bà làm việc, UBND thành phố Đà Nẵng, HĐND thành phố Đà Nẵng để được xem xét, hướng dẫn giải quyết và chi trả chế độ nêu trên theo chính sách tại Nghị quyết 277/2019/NQ-HĐND.
HUỲNH LÊ