Đang là sinh viên năm 2 của một trường đại học tại Hà Nội, Bùi Doãn Q (SN 2001, trú tại Hải Phòng ) bảo lưu kết quả học tập rồi vào Đà Nẵng làm nhân viên tổng đài cho một nhà mạng. Công việc mang lại thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng nhưng vì nghiện game online, B. trở thành một “siêu đạo chích” gây ra nhiều vụ trộm lớn tại Đà Nẵng.
Là con thứ 3 trong gia đình, dù hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bệnh tật, mất sức lao động vẫn cố gắng lo cho B. ăn học nên người. Không phụ lòng người thân, B. có học lực tốt và thi đỗ vào một trường đại học tại Hà Nội. Thế nhưng, vì không có sự quản lý của gia đình nên B. đua đòi cùng bạn bè chơi bời thâu đêm suốt sáng, bỏ bê việc học rồi nghiện game online lúc nào không hay. Vì muốn mua vật phẩm cho nhân vật trong game, B. đổ rất nhiều tiền vào thế giới ảo. Đến lúc hết tiền, B. quyết định bảo lưu kết quả học tập rồi âm thầm vào Đà Nẵng tìm việc làm.
Tại Đà Nẵng, B. xin vào làm tại một công ty hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng cho các nhà mạng điện thoại, làm việc 8 giờ/ngày. Công việc trên cho mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng. Nhưng vì chơi game quá nhiều, không còn đủ chi phí sinh hoạt, B. lạc lối trở thành một đạo chích, gây ra nhiều vụ trộm lớn nhỏ tại Đà Nẵng.
Theo bản cáo trạng do Viện Kiểm sát nhân dân thành phố công bố, trong thời gian từ tháng 12-2019 đến 5-2020, lợi dụng sơ hở lúc đêm khuya của các cửa hàng, trung tâm thương mại, B. thực hiện 10 vụ trộm cắp với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt hơn 550 triệu đồng. Ban đầu là trộm vặt ngoài đường, sau đó B. quyết tâm “chơi lớn”, chọn các cửa hàng, cửa hiệu sang trọng, trung tâm thương mại hành nghề. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi nhưng “ngón nghề” đột nhập của B. không thua gì những kẻ giàu kinh nghiệm, qua mặt hệ thống an ninh nghiêm ngặt thực hiện hành vi của mình.
Khi bị lực lượng công an bắt giữ, nhiều người tại nơi B. làm việc vô cùng bất ngờ. Bởi B. có ngoại hình thư sinh và lễ phép. “Thật sự không thể tin, bởi khi tiếp xúc, B. tỏ ra là người hiền lành, hoạt ngôn, làm việc tốt nên được mọi người quý mến”, chị P.T.T - đồng nghiệp của B. tại công ty chăm sóc khách hàng chia sẻ. Về phía gia đình, biết chuyện B. bỏ học đã rất sốc; khi nghe thêm tin B. bị bắt vì tội “Trộm cắp tài sản”, nỗi bàng hoàng còn nhân lên gấp nhiều lần.
Ngày 20-4, B. bị Tòa án nhân dân (TAND) thành phố xét xử công khai, chỉ có chị ruột của B. là N.T.Y (SN 1995) vào dự. Tại phiên tòa, chị Y. nước mắt lưng tròng, trách B. nông cạn làm chuyện thiếu suy nghĩ, để rồi phải ra tòa. Chị Y. chia sẻ: “Cha mẹ tôi vô cùng thất vọng, khóc rất nhiều từ khi biết tin B. bị bắt. Thương em, nhưng thương cha mẹ nhiều hơn vì cả gia đình đặt kỳ vọng vào B. rất lớn”.
Hội đồng xét xử (HĐXX) phân tích, bị cáo là sinh viên, có trình độ nhận thức để biết hành vi trộm cắp tài sản là phạm pháp, tại sao lại vẫn làm việc đó? Hành vi của bị cáo gây hại đến rất nhiều người, không chỉ cho các bị hại mà còn khiến cha mẹ mặt mũi nào nhìn bà con lối xóm? Thẩm phán phiên tòa tiếp lời: “Trong khi có nhiều người muốn học lên cao, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn đành phải nghỉ học. Bị cáo được cha mẹ tạo đủ điều kiện cho đi học, nhưng chỉ vì nghiện game dẫn đến hành vi trộm cắp để rồi hủy hoại cuộc đời, xé nát kỳ vọng của người thân...”.
Căn cứ quá trình điều tra và cân nhắc mọi tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX TAND thành phố tuyên phạt N.T.H.B mức án 11 năm tù. Đây là cái giá thích đáng B. phải trả cho lỗi lầm của mình, nhưng cũng rất đáng tiếc cho cậu thanh niên đang tuổi ăn tuổi học, vì nghiện game mà đánh mất tương lai.
Không riêng gì trường hợp của N.T.H.B, những vụ án, hệ quả từ việc nghiện game online hiện nay không còn xa lạ và là vấn đề xã hội đáng báo động. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nghiện game là một bệnh tâm thần, nằm trong danh sách phân loại bệnh quốc tế. Người nghiện game, đặc biệt là giới trẻ có thể bị suy giảm sức khỏe thể chất và tâm lý, xao nhãng học hành, công việc, xa rời các quan hệ gia đình, xã hội, thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, người nghiện game thường dễ rơi vào trạng thái cô đơn, khủng hoảng, dẫn đến hành vi lệch chuẩn.
Theo các nhà xã hội học hiện nay, các gia đình cần dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ, khuyến khích con mình tham gia các loại hình giải trí mang tính cộng đồng. Nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa và tăng cường công tác quản lý, giáo dục, tuyên truyền về những mặt tốt, xấu của chơi game… Từ đó, giúp những người chơi game có nhận thức đúng đắn, tránh rơi vào tình trạng nghiện và thực hiện hành vi sai trái.
XUÂN DŨNG