Xét xử vụ sai phạm tại IPC và SADECO: Bị cáo Tất Thành Cang không thừa nhận hành vi bị truy tố

.

Ngày 28-12, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm tại Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan. Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh) về những sai phạm mà cáo trạng truy tố.

Hai bị cáo của vụ án: Tề Chí Dũng (bên trái) và Tất Thành Cang tại phiên tòa ngày 27/12/2021. Ảnh: Thành Chung/TTXVN
Hai bị cáo của vụ án: Tề Chí Dũng (bên trái) và Tất Thành Cang tại phiên tòa ngày 27-12-2021. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh, ngày 24-4-2017, nhóm đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại Công ty SADECO (gồm các bị cáo Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện) ký Tờ trình (không số) gửi Văn phòng Thành ủy về việc thông qua phương án phát hành cổ phần, trong đó đề xuất chọn phương án phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược với giá 40.000 đồng/cổ phần. Cùng ngày, bị cáo Phạm Văn Thông, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy có bút phê tại tờ trình với nội dung: “Tôi thống nhất với đề xuất của anh Long và anh Thiện. Thảo tờ trình xin ý kiến của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy”.

Ngày 28-4-2017, bị cáo Phạm Văn Thông ký Tờ trình số 1148/TTr-VPTU gửi Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (là bị cáo Tất Thành Cang) xin chủ trương về phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ tại Công ty SADECO, đề xuất chấp thuận chủ trương để Văn phòng Thành ủy biểu quyết chấp thuận cho Công ty SADECO phát hành cổ phần theo phương án nêu trên. Tờ trình này được căn cứ trên Tờ trình số 12A/TT-NSG.16 ngày 3-4-2017 do bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc ký nêu rõ sẽ phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược nhưng chưa xác định cụ thể là Công ty Nguyễn Kim.

Sau khi nhận được Tờ trình số 1148/Ttr-VPTU, ngày 16-5-2017, bị cáo Tất Thành Cang có bút phê “Đồng ý” vào Tờ trình số 1148/Ttr-VPTU nêu trên. Sau đó, bị cáo Phạm Văn Thông ký Thông báo số 495/TB-VPTU thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy với nội dung: “Chấp thuận chủ trương để Văn phòng Thành ủy được biểu quyết chấp thuận phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại SADECO”.

Căn cứ Thông báo số 495/TB-VPTU, nhóm đại diện quản lý vốn Thành uỷ đã tiến hành biểu quyết đồng ý phương án bán 9 triệu cố phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược đúng theo phương án được đề xuất. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty SADECO năm 2017 (tổ chức ngày 29-6-2017), Đại hội đồng cổ đông đã thông qua phương án phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ công ty.

Cũng theo cáo trạng, với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, phụ trách trực tiếp Văn phòng Thành ủy - chủ sở hữu vốn Thành ủy, bị cáo Tất Thành Cang phải nắm rõ quy định việc bán cổ phần phát hành thêm để tăng vốn điều lệ của Công ty SADECO phải thực hiện đấu giá và thực hiện thẩm định giá giá trị cổ phần theo quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP nhưng bị cáo vẫn phê duyệt “đồng ý” chủ trương phát hành cổ phần mà không chỉ đạo phải đấu giá đế chọn cổ đông chiến lược. Việc bút phê “Đồng ý” tại Tờ trình số 1148 của Văn phòng Thành ủy, với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho một cổ đông chiến lược là sai, vi phạm quy định tại Điều 125 và điểm d, khoản 2, Điều 149 Luật Doanh nghiệp (thẩm quyền quyết định về giá bán thuộc về Hội đồng quản trị), gây thất thoát cho tài sản Nhà nước.

Tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang nói không đồng ý với các hành vi phạm tội như trong cáo trạng truy tố. Cáo trạng truy tố có các nội dung bị cáo không đồng ý.

Cụ thể, bị cáo Cang không thừa nhận đã chỉ đạo bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty IPC, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SADECO) nội dung liên quan đến chuyển nhượng vốn của SADECO. Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử cho đối chất với bị cáo Dũng tại tòa.

Bị cáo Cang không thừa nhận vai trò chỉ đạo quyết định, "đầu vụ" trong vụ án này. Theo bị cáo Tất Thành Cang, mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Hoạt động của Đại hội cổ đông tuân theo nguyên tắc đối vốn. Ở SADECO, vốn của Văn phòng Thành ủy là 16,7%, không chiếm tỷ lệ phủ quyết đối với hoạt động của Hội đồng quản trị. Nếu theo nguyên tắc đối nhân, thành viên đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy chỉ chiếm 2/7. Từ đó bị cáo Cang khẳng định, Văn phòng Thành ủy không có "vai trò quyết định" trong hoạt động của SADECO.

Bị cáo Tất Thành Cang cho biết: "Trong Nghị quyết số 13 ngày 10-5-2017 của SADECO có hai nội dung quan trọng. Đó là Đại hội cổ đông SADECO năm 2017 chỉ tổ chức sau khi UBND Thành phố có ý kiến cho phép. Nếu UBND Thành phố không thống nhất với phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại SADECO thì Nghị quyết vô hiệu. Nếu không có sự đồng ý đó thì không có nội dung phát hành cổ phiếu trình Đại hội cổ đông". Bị cáo Cang cho rằng, Thông báo 495/TB-VPTU không phát hành cho IPC hay SADECO. Công ty IPC đã lợi dụng đưa vào văn bản báo cáo UBND Thành phố. Điều này sai về "nguyên tắc của Đảng trong sử dụng văn bản hành chính" - bị cáo Tất Thành Cang khẳng định.

Theo bị cáo Tất Thành Cang, phần vốn 44% của UBND Thành phố (Công ty IPC là doanh nghiệp Nhà nước do UBND TP. Hồ Chí Minh sở hữu 100% vốn điều lệ) tại Công ty SADECO mới có tính quyết định. (Công ty SADECO ngày 26/3/2015, vốn điều lệ là 170 tỷ đồng; vốn của cổ đông là cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước chiếm 60,7% - trong đó Công ty IPC chiếm 44%, Văn phòng Thành ủy chiếm 16,7%; Công ty EximLand 30,8%, cổ đông khác 8,5%).

Hội đồng xét xử yêu cầu bị cáo Tất Thành Cang tạm dừng và chuyển qua xét hỏi bị cáo Tề Chí Dũng để bị cáo này đối chất với lời khai của bị cáo Tất Thành Cang. Hội đồng xét xử yêu cầu bị cáo Tề Chí Dũng trả lời câu hỏi: Ngoài bút phê "Đồng ý" của bị cáo Tất Thành Cang tại Tờ trình số 1148/Ttr-VPTU thì bị cáo có nhận chỉ đạo nào khác không.

Bị cáo Tề Trí Dũng trả lời, trong một buổi gặp mặt tại nhà, bị cáo Cang có nói với bị cáo là tạo điều kiện cho Công ty Nguyễn Kim tham gia SADECO chứ không có chỉ đạo cụ thể phải bán 9 triệu cổ phiếu cho Nguyễn Kim hay chỉ đạo về giá cổ phiếu.

Theo bị cáo Tề Trí Dũng, nếu không nhận được một lời nói hay chỉ đạo nào thì việc phát hành 9 triệu cổ phiếu SADECO cho Nguyễn Kim cũng không được xúc tiến. Trong thời gian làm Tổng Giám đốc IPC, bị cáo nhận được nhiều chỉ đạo của bị cáo Cang. Lời của bị cáo Cang không có tính chất pháp lý nhưng bị cáo nghĩ nghe chỉ đạo cấp trên là đạo đức của cấp dưới với cấp trên. Bị cáo không bao giờ nghe theo những chỉ đạo nếu chỉ đạo đó trái pháp luật.

Phiên tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo khác liên quan đến hành vi chi sai tiền thù lao khen thưởng tại Công ty SADECO.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.