Pháp luật
Ngăn chặn bạo lực trong giới trẻ
Tình trạng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực ở lứa tuổi thanh, thiếu niên trên địa bàn thành phố có chiều hướng gia tăng. Thực tế cho thấy, chỉ vì xích mích, va chạm nhỏ, một số thanh, thiếu niên sẵn sàng mang hung khí đi đánh nhau, chém người gây thương tích.
Camera ghi lại hình ảnh hai nhóm thanh, thiếu niên dùng hung khí nóng hỗn chiến trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà). Ảnh: L.H |
Giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí nóng
Thời gian gần đây, công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố liên tục phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ nhiều nhóm thanh, thiếu niên tụ tập chuẩn bị hung khí nóng, bom xăng để giải quyết mâu thuẫn. Theo các điều tra viên, nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực, tụ tập gây rối của các nhóm này chỉ vì xích mích, mâu thuẫn nhỏ nhặt trên mạng xã hội, bị bạn bè kích động...
Hầu hết đối tượng gây án không có nghề nghiệp ổn định, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ. Có vụ tham gia hỗn chiến lên đến hàng chục người, nhiều đối tượng mới chỉ 13 tuổi. Một số vụ diễn ra công khai nơi công cộng, gây hoang mang, lo lắng, bất an trong nhân dân. Điểm chung của các vụ việc trên là gần như phụ huynh không hay biết về hành vi của con mình cho đến khi lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.
Các nhà tâm lý cho rằng, một trong những nguyên nhân dễ đưa thanh, thiếu niên đến hành vi phạm tội là do thiếu sự quan tâm, chia sẻ, quản lý, giáo dục của gia đình. Ngoài sự tác động từ cách giáo dục của gia đình còn phải kể đến môi trường giáo dục ở trường học. Một thực tế hiện nay là nhà trường chỉ chú trọng giáo dục tri thức mà chưa dành thời gian thỏa đáng cho việc dạy học sinh kỹ năng sống... Từ đó, trẻ dễ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu dẫn đến hư hỏng, có những hành vi phạm tội.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố, đặc điểm của các nhóm đối tượng này hầu hết đều sử dụng mạng xã hội để liên lạc, kết nối, hoạt động tự phát, nhiều đối tượng đang là học sinh. Đây là nhóm đối tượng dễ bị kích động, thiếu khả năng kiềm chế. Hơn nữa do điều kiện sống, môi trường giáo dục hạn chế dẫn tới định hướng hành vi kém, nên khi có mâu thuẫn dù nhỏ cũng dễ xảy ra bạo lực. Đây là lời cảnh báo sâu sắc đối với các bậc làm cha, làm mẹ trong việc quan tâm, giáo dục con em mình, không để các em sa ngã, vi phạm pháp luật.
Một điều tra viên cho biết, một trong những nguyên nhân khiến thanh, thiếu niên dễ phạm tội là do thiếu sự quan tâm, chia sẻ, quản lý của gia đình. Đặc biệt là những gia đình ly hôn, thường xảy ra bạo lực. Bên cạnh đó, thế giới game bạo lực cũng là nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên trở nên lạnh lùng, vô cảm và có những hành vi bạo lực giống như trong game để giải quyết vấn đề bằng hung khí nóng.
Chú trọng phát hiện, ngăn ngừa sớm
Trước thực trạng nhức nhối này, Công an thành phố chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát số trẻ em hư, nhất là số bỏ học, bỏ nhà, thuê trọ, sống lang thang, biểu hiện sử dụng ma túy… để có biện pháp quản lý, răn đe, vận động, giáo dục phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường thâm nhập các hội, nhóm kín của các đối tượng này trên mạng xã hội, nắm bắt các mâu thuẫn, biểu hiện tụ tập băng nhóm đánh nhau, có giải pháp kịp thời ngăn chặn, hóa giải.
Đại tá Trần Phòng, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, đơn vị đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương và lực lượng Cảnh sát 911 tập trung giữ vững an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Trong đó, tiếp tục tăng cường thời gian, tần suất tuần tra, chốt chặn tại các tuyến địa bàn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự; đặc biệt tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp thanh, thiếu niên hư hỏng, sử dụng hung khí đánh nhau, tụ tập đua xe, lạng lách, độ chế xe… gây mất an toàn cho người dân.
Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường và học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị, trường học tiếp tục thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực; thường xuyên phối hợp phụ huynh tăng cường biện pháp quản lý, nhắc nhở các em, nhất là tư vấn tâm lý học đường để có thể hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, giúp các em giải tỏa mâu thuẫn, xích mích với người khác…
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục, có biện pháp răn đe khi cần thiết. Song song đó, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, nhất là quy định của pháp luật liên quan đến hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc hành vi làm nhục người khác… Cũng như tạo cho các em nhiều sân chơi, hoạt động lành mạnh, ý nghĩa và phù hợp với đặc thù lứa tuổi, giúp học sinh nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, bao dung...
Theo Phó Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Thị Anh Thảo, để hạn chế tình trạng thanh, thiếu niên giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, cần sự chung tay của các cấp, các ngành và sự cộng hưởng từ gia đình, nhà trường và xã hội. “Với vai trò chăm lo và bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho thanh, thiếu nhi, định hướng các em đến với các giá trị chân - thiện - mỹ, Đoàn Thanh niên các cấp đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ với các trường, chú ý sàng lọc, khoanh vùng học sinh có nguy cơ bỏ học để theo dõi quản lý; đồng thời, tăng cường các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên chỉ đạo, quán triệt các cơ sở Đoàn ở trường học, khu dân cư tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; lan tỏa, nêu gương những câu chuyện đẹp, những tấm gương sáng để góp phần giáo dục thanh thiếu nhi. Song song đó, kiến nghị các cấp, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ giáo dục thanh, thiếu niên…”, bà Nguyễn Thị Anh Thảo khẳng định. Ngoài ra, bà Thảo cũng cho rằng, thực tế các thanh, thiếu niên sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn đa phần có hoàn cảnh gia đình éo le. Điều này cũng gióng lên hồi chuông về vấn đề tư vấn tâm lý can thiệp sớm ở trẻ sinh ra trong gia đình có bố mẹ ly tán, bất hòa...
LÊ HÙNG