Tạm giữ hình sự 4 trường hợp liên quan đến các sai phạm trong công tác đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa

.

ĐNO - Tối 16-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố tống đạt quyết định tạm giữ hình sự và thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của 4 trường hợp liên quan đến công tác đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa. Trong đó, 2 trường hợp bị tạm giữ để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 2 trường bị điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố tống đạt các quyết định tạm giữ hình sự đối với 4 đối tượng. Ảnh: L.H
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố tống đạt các quyết định tạm giữ hình sự đối với 4 trường hợp liên quan đến công tác đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa. Ảnh: L.H

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố, tháng 2-2022, vì muốn nâng khống công suất máy, hoán cải tàu cá mang số hiệu ĐNa-90800-TS, có công suất 300 CV lên 450 CV để được nâng mức hỗ trợ từ 55 triệu đồng/chuyến biển lên 75 triệu đồng/chuyến biển (theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa”), ông N.C (SN 1968,  trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) liên hệ với ông H.V.L (SN 1968, trú cùng phường) đặt vấn đề nhờ làm hồ sơ, thủ tục nâng khống. Ông L. đồng ý với tổng chi phí “làm đẹp” hồ sơ là 25 triệu đồng.

Để hợp thức hóa nguồn gốc máy thủy của ông C., ông L. liên hệ ông N.V.Q (SN 1964, trú phường Thọ Quang) đặt mua khống 1 bộ hồ sơ (gồm 1 hóa đơn, 1 tem máy và 1 bộ chứng thư giám định) của một công ty có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh với giá 10 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế công ty này không nằm trong danh sách các tổ chức giám định được Bộ Khoa học học và Công nghệ chỉ định thực hiện giám định máy móc đã qua sử dụng (theo quy định của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ).

Sau khi có được “bảo bối” trong tay, ông L. đưa tem máy cho ông C. để ông này tự gắn, đục lại số máy trên máy thủy cũ thành số máy mới là 10123, công suất 450 CV. Đồng thời, ông L. liên hệ với Chi cục Thủy sản thành phố để làm hồ sơ hoán cải, thay máy mới cho tàu ĐNa-90800-TS của ông N.C.

Cụ thể, hồ sơ hoán cải, giám sát thi công và đề xuất cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá ĐNa-09800-TS do 2 đăng kiểm viên của Chi cục Thủy sản là ông N.H (SN 1964, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) và ông L.V.L (SN 1974, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu) thực hiện.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, ông H. và ông L. không phát hiện chứng thư giám định của tàu ĐNa-90800-TS là không đúng quy định; đồng thời tự ý bỏ qua một số công đoạn kiểm tra, giám sát theo quy trình, thậm chí tất cả các biên bản kiểm tra kỹ thuật, thử máy thực tế đều được tự lập và ký khống...

Đến ngày 31-5-2022, ông N.H và L.V.L ký đề xuất lãnh đạo Chi cục Thủy sản thành phố ký ban hành giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật trên tàu cá đối với tàu ĐNa-90800-TS cho ông N.C. Từ thời điểm đó đến nay, tàu ĐNa-90800-TS đã đi 4 chuyến biển, nhận hỗ trợ 75 triệu đồng/chuyến, tổng cộng nhận hỗ trợ 300 triệu đồng (trong đó có 80 triệu đồng là tiền chênh lệnh do nâng khống công suất tàu cá nói trên).

Căn cứ hồ sơ, tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố xác định hành vi của ông N.C và ông H.V.L có dấu hiệu của tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; hành vi của ông N.H. và ông L.V.L có dấu hiệu của tội “Lợi dụng, chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hiện vụ việc được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố tiếp tục điều tra, làm rõ.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.