Vụ Việc phụ huynh nhận cuộc gọi báo tin "con bị tai nạn": Công an vào cuộc

.

Sau khi hàng chục phụ huynh tại Đà Nẵng nhận được các cuộc điện thoại lạ báo tin “con bị tai nạn” và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán viện phí, Công an thành phố đã vào cuộc xác minh, xử lý.

Nội dung tuyên truyền, cảnh báo của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Nội dung tuyên truyền, cảnh báo của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Ngày 16-3, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố cho biết: những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều trường hợp phụ huynh học sinh nhận được điện thoại từ các đối tượng mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện gọi điện, thông báo “con bị tai nạn”, sau đó yêu cầu chuyển khoản, thanh toán viện phí.

“Hiện chúng tôi đã cử các cán bộ liên hệ với các nhà trường và phụ huynh để nắm bắt, thu thập thông tin, xác minh, điều tra và xử lý”, vị lãnh đạo này thông tin, đồng thời khuyến cáo: khi phụ huynh nhận được cuộc gọi của những đối tượng này cần liên hệ ngay với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường để nắm bắt thông tin của con em, tránh bị lừa đảo.

Cũng theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo qua mạng rất tinh vi, có rất nhiều thủ đoạn khác nhau. Hiện phòng đã lập một trang thông tin trên Zalo có tên “An ninh mạng - Công an TP Đà Nẵng”. Tại trang này, cơ quan công an thông tin các tin tức về an ninh mạng; phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao; công khai các số điện thoại tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm để người dân nắm bắt, cảnh giác và tiện liên hệ.

Liên quan tới thắc mắc về việc: vì sao các thông tin của học sinh, phụ huynh lại bị lộ lọt ra ngoài dễ dàng như vậy?, lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: thông tin có thể lộ lọt bằng nhiều cách, còn ở Đà Nẵng có một số trường học công khai thông tin, số điện thoại của phụ huynh học sinh trên website của trường nên có nguy cơ bị lộ lọt cao.

Cũng về nội dung này, theo thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng, trong hai ngày qua, bệnh viện tiếp nhận hơn 20 trường hợp là phụ huynh tới để tìm con sau khi nhận điện thoại báo tin “con bị tai nạn”. Tuy nhiên, trong những ngày qua bệnh viện không tiếp nhận trường hợp học sinh nào bị tai nạn, phải vào cấp cứu.

Theo bác sĩ Dương Văn Đức, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đà Nẵng: quy trình xử lý cấp cứu của bệnh viện rất rõ ràng. Khi có bệnh nhân cấp cứu, có thân nhân hay không có thân nhân, bệnh viện đều ưu tiên cho việc cấp cứu trước tiên chứ không yêu cầu người nhà phải chuyển tiền thì mới xử lý.

“Khi có bệnh nhân nhập viện, nếu không có người nhà đi cùng thì bệnh viện sẽ liên hệ để thông báo tình trạng sức khỏe. Không có tình trạng bác sĩ gọi điện yêu cầu chuyển khoản tiền để nộp viện phí”, bác sĩ Đức khẳng định.

Liên quan vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã phát cảnh báo và chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận/huyện, các trường, trung tâm trực thuộc sở về việc tăng cường các giải pháp phòng, tránh đối tượng xấu lừa đảo, bảo đảm an toàn trường học.

Đề nghị các trường tăng cường thông tin cho phụ huynh, tránh mắc bẫy lừa đảo của đối tượng lạ. Đồng thời, sở yêu cầu lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với phụ huynh để kịp thời tiếp nhận, phối hợp xử lý; tránh trường hợp phụ huynh không liên hệ được nhà trường, giáo viên dễ hoảng loạn và chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.