Pháp luật
Nỗi đau chồng chất
Phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo N.B.T (SN 1968) và N.V.H (SN 1976, cùng trú huyện Hòa Vang) về tội “Giết người” có lẽ là phiên tòa đặc biệt nhất. Bởi bị cáo, bị hại, người đại diện cho bị hại đều là “người đặc biệt”. Cả N.B.T, N.V.H và “người đại diện cho bị hại” khi ra tòa đều cần người giám hộ.
Khi vụ án xảy ra, bị đưa đi điều trị bắt buộc tại bệnh viên, N.B.T gần như “cấm khẩu”. Điều tra viên, cán bộ trại tạm giam, bác sĩ, người thân cũng không thể làm gì để có thể “khai khẩu” cho T. Phiên tòa diễn ra mới đây cũng không ngoại lệ. Quá trình di chuyển từ xe đặc chủng vào phòng xét xử, đứng lên, ngồi xuống, thậm chí trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX), T. đều phó mặc cho lực lượng công an và người giám hộ.
Trái ngược, N.V.H với thân hình nhỏ thó, đứng cạnh T. càng thấy rõ sự chênh lệch về ngoại hình. Giống như T., N.V.H ra tòa cũng cần có người giám hộ. Sự “bất ổn” lớn nhất của N.V.H chính là những câu trả lời. Khi thì N.V.H chỉ trả lời nhát gừng hoặc lắc đầu, ngay cả câu hỏi bị truy tố về tội gì, bản thân cũng nói không biết. Khi thì trả lời một cách hăng say, vị chủ tọa phải nhiều lần ngắt lời, N.V.H mới chịu dừng lại.
Vụ án đau lòng khiến N.B.T và N.V.H phải đứng trước bàn khai báo xảy ra vào tối 8-5-2018, sau chầu nhậu của ba người. Tối hôm đó, T. ngồi uống rượu với ông H. (SN 1972, trú cùng địa phương) tại nhà N.V.H. Tại đây, N.V.H nhờ T. đánh ông H. để trả thù những mâu thuẫn trước đó. N.V.H chỉ cây búa đóng đinh để ở góc nhà cho T. Sau đó, T. dùng búa đánh vào đầu ông H., khiến nạn nhân tử vong. Mọi việc đâu vào đó, N.V.H đưa cho T. số tiền 1,5 triệu đồng...
Quá trình điều tra, nhận thấy cả T. và N.V.H đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại bệnh viện… Phiên tòa xét xử N.B.T và N.V.H kéo dài bởi thi thoảng lực lượng y tế phải kiểm tra sức khỏe cho hai bị cáo. Không biết T. và N.V.H có cảm nhận gì nhưng người thân và những người dự khán chứng kiến hai bị cáo tại tòa đều cảm thấy xót xa. Số phận sinh ra vốn đã không cho họ bằng người khác, đối với người thân mà nói đó chính là nỗi đau dai dẳng, nối dài. N.V.H bị suy dinh dưỡng từ nhỏ, thiểu năng trí tuệ nên chỉ cao gần 1,4m.
Sau khi cha mẹ mất, anh chị lập gia đình, N.V.H sống một mình chủ yếu dựa vào trợ cấp xã hội. Bị hại H. với gia đình N.V.H là hàng xóm thân tình. Hơn nữa, ông H. đối đãi với N.V.H bằng tình cảm của một người thân trong gia đình, thương yêu, thường xuyên khuyên nhủ. Khốn nỗi, N.V.H không đủ sáng suốt để hiểu được đâu là lời khuyên chân tình, đâu là một lời “hù dọa” đầy yêu thương trách nhiệm, cho nên mới có kết cục đau lòng. Theo anh trai bị cáo, với vai trò là người giám hộ, có lần N.V.H bán cặp trâu và đất do cha mẹ để lại, lấy tiền mua những món đồ linh tinh để trong nhà. Thấy vậy, ông H. la rầy rồi hăm dọa N.V.H. Không ai ngờ, lời hăm dọa ấy khiến N.V.H găm vào suy nghĩ, để bụng rồi nhờ T. ra tay sát hại.
Ở chiếc bàn dành cho đại diện người bị hại, một trong số đó là em gái ông H. (nạn nhân trong vụ án), còn lại là một người bà con. Em gái ông H. lộ rõ sự mệt mỏi, chán ghét khi phải gò bó trong sự nghiêm trang nơi pháp đình nên hết nhắm mắt lại trườn người nằm bẹp xuống mặt bàn. Người em này cũng như bị hại, là người bị hạn chế khả năng nhận thức, nên sự ngây ngô lộ rõ ra bên ngoài. HĐXX nhận định, các bị cáo bị hạn chế năng lực nhận thức, nhưng không mất hoàn toàn nhận thức về hành vi. Xem xét toàn diện các tình tiết, HĐXX Tòa án nhân dân thành phố tuyên phạt các bị cáo N.B.T và N.V.H cùng mức án tù chung thân về tội “Giết người”.
Một vụ án chồng chất sự đau lòng, một phiên tòa với nhiều thứ “đặc biệt” khép lại nhưng sự day dứt lại nối dài. Có thể, N.B.T và N.V.H không thể hiện cảm xúc nhưng không hẳn là không biết đau lòng...
TRÍ DŨNG