Pháp luật

Vụ 'chuyến bay giải cứu': 'Rào cản' vô hình trong cấp phép chuyến bay

06:51, 21/07/2023 (GMT+7)

Ngày 20-7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ “Chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần tranh luận.

Các bị cáo tại phiên tòa trong ngày đầu tiên xét xử, sáng 11/7/2023. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Các bị cáo tại phiên tòa trong ngày đầu tiên xét xử, sáng 11-7-2023. Ảnh: Phạm Kiên-TTXVN

Tại phiên tòa, luật sư và các bị cáo là chủ doanh nghiệp trình bày về nguyên nhân khiến các bị cáo phải đưa tiền hối lộ, đẩy cao giá thành chi phí của đồng bào khi trở về nước trên các “chuyến bay giải cứu”. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu được các doanh nghiệp đưa hối lộ nhắc đến là sự nhũng nhiễu tạo dựng lên những “rào cản” vô hình trong thủ tục, tiến độ cấp phép các chuyến bay.

Trong số 54 bị cáo, hai bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Giám đốc Công ty Du lịch Lữ hành Việt) và Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty) khai là hai vợ chồng. Viện Kiểm sát cáo buộc, từ tháng 1 - 12-2021, Nguyễn Tiến Mạnh đã đưa hối lộ 22 lần, tổng số hơn 27 tỷ đồng. Vũ Thùy Dương đưa hối lộ 17 lần, số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Công ty Lữ Hành Việt hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành và tham gia thực hiện ba chuyến bay thí điểm do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ủy quyền. Sau ba chuyến bay này, Công ty Lữ Hành Việt đã gửi hồ sơ lên Văn phòng Chính phủ và các Hãng Hàng không xin tiếp tục tổ chức các chuyến bay nhưng không được chấp thuận.

Tháng 1-2021, Mạnh bàn bạc với Hoàng Anh Kiếm (cũng là bị cáo trong vụ án) để Công ty Lữ Hành Việt được Chính phủ cấp phép thực hiện chuyến bay. Kiếm đồng ý giúp và thống nhất chia lợi nhuận sau khi thực hiện chuyến bay. Sau khi liên hệ được với các cá nhân có thẩm quyền cấp duyệt tổ chức chuyến bay tại Văn phòng Chính phủ, Kiếm yêu cầu Mạnh chuyển tiền để “xin” công văn. Mạnh nói Dương chuyển 1 tỷ đồng và 350.000 USD cho Kiếm để chi cho cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ.

Cuối tháng 8-2021, theo yêu cầu của Hoàng Anh Kiếm, Mạnh nói Dương trao đổi, bàn bạc với Kiếm để xin cấp phép chuyến bay combo cho Công ty Lữ Hành Việt. Sau đó, Dương đưa 600.000 USD cho Kiếm chi cho cán bộ Bộ Ngoại giao để xin được cấp phép tổ chức thực hiện 11 chuyến bay.

Viện Kiểm sát xác định hành vi của hai bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Vũ Thùy Dương đã cấu thành tội “Đưa hối lộ”; đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Mạnh mức án từ 7 - 8 năm tù, Dương từ 2 - 3 năm tù.

Trình bày tại tòa, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh xin cho vợ Nguyễn Thùy Dương được ở ngoài xã hội để làm nghĩa vụ của người làm cha mẹ với các con… Thời điểm dịch bệnh xảy ra, Mạnh nhận được danh sách đăng ký của gần 1.000 công dân mua vé máy bay về nước. Để thực hiện các chuyến bay, Mạnh chuẩn bị rất kỹ lưỡng, ưu tiên cho những hoàn cảnh khó khăn. Khi đó, Mạnh tin tưởng rằng, dù xét duyệt dưới hình thức nào, doanh nghiệp của mình cũng đủ điều kiện để được cấp phép. Tuy nhiên, khi gửi hồ sơ, công ty không được xét duyệt, Mạnh đã rất thất vọng, không biết phải trả lời khách hàng như thế nào.

Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng, chính những hành vi mập mờ trong quá trình cấp phép đã thúc ép hành động đưa hối lộ, đẩy bị cáo và các đồng nghiệp vào tù. Mạnh thừa nhận đó là hành vi phạm tội và mong muốn Hội đồng xét xử công tâm xem xét cho hành vi phạm tội của mình.

Đối với bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife), Viện Kiểm sát xác định, Mai Xa đã đưa hối lộ hơn 8,1 tỷ đồng cho 8 cá nhân để được cấp phép 18 chuyến bay. Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Mai Xa mức án từ 4 - 5 năm tù về tội “Đưa hối lộ”.

Trình bày tại tòa, luật sư bào chữa cho Trần Thị Mai Xa cho rằng, bị cáo đã buộc phải đưa hối lộ. Theo luật sư, thời điểm COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đáp ứng lời kêu gọi đưa công dân về nước, doanh nghiệp của Mai Xa đã nộp hồ sơ để được cấp phép chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Thời điểm đó, nhiều địa phương không đón khách cách ly, rất thiếu khách sạn cho công dân Việt Nam về nước. Vì thế, doanh nghiệp muốn đưa khách về nước phải đặt cọc khách sạn trước cả tháng. Việc cấp phép chuyến bay chậm trễ đã khiến Mai Xa khi lần đầu tổ chức chuyến bay đã bị mất toàn bộ 1,5 tỷ đồng tiền đặt cọc khách sạn; phải bán nhà đi để bù khoản lỗ này.

Theo luật sư, thời điểm đó, quá trình xin cấp phép chuyến bay, thủ tục gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng những khó khăn đó chưa là gì so với sự nhũng nhiễu, đòi đưa tiền hối lộ của một số công chức Nhà nước. Đó là những “rào cản vô cùng đáng sợ”.

Luật sư cho biết, khi chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày bay nhưng doanh nghiệp của Mai Xa chưa được Cục Xuất, nhập cảnh Bộ Công an có ý kiến đồng ý. Mai Xa đã phải chi tiền và các chuyến bay sau cũng phải đưa tiền như một thông lệ. Luật sư cho rằng, việc thân chủ của mình đưa hối lộ trong hoàn cảnh bất khả kháng, nếu không đưa, không được cấp phép chuyến bay.

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Mai Xa trình bày: Ở hai chuyến bay đầu tiên, trong khi 3 Bộ đã có ý kiến đồng ý cấp phép chuyến bay, Cục Xuất, nhập cảnh Bộ Công an chưa có ý kiến đồng ý. Trước tình cảnh vừa phải bán nhà để đền tiền đặt cọc cho khách sạn, bị cáo đã rất lo lắng khi biết “còn chút vướng mắc” bên Bộ Công an. Khi đó, bị cáo rất run bởi không còn nhà để bán.

Mai Xa cho biết, khi lên Cục Xuất, nhập cảnh Bộ Công an gặp Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Xuất, nhập cảnh), Mai Xa được Cường xác nhận “vướng mắc” là vì sếp không biết Công ty MasterLife là ai mà có ý kiến đồng ý. Mai Xa cảm thấy “ấm ức” vì lý do này và được Cường gợi ý muốn được tháo gỡ vướng mắc, phải làm theo cơ chế “cảm ơn”. “Đứng trước sự lựa chọn mà bị cáo là người phụ thuộc, doanh nghiệp của bị cáo bị phụ thuộc, để xin được cấp phép chuyến bay, bị cáo đã phải đi xoay tiền để đưa hối lộ” - Mai Xa bộc bạch và mong được Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh phạm tội của mình và xin được giảm nhẹ hình phạt.

Theo TTXVN

.