Pháp luật
Người con bất hiếu
Chỉ vì thấy mẹ già có phần chậm chạp, ăn uống khó khăn mà T.V.P (SN 1969, trú Đà Nẵng) đành lòng ra tay hành hạ. Hành động bất hiếu của P. đã bị pháp luật trừng trị, nhưng chắc chắn rằng có những thứ mất mát mà chẳng bao giờ người con này có thể tìm lại được.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử T.V.P về tội “ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi mình” không có nhiều người tham dự. Từ khi bước xuống xe chở phạm nhân, P. cúi gằm mặt, bước đi từng bước nặng nề. Tại pháp đình, khi nhắc đến người mẹ già yếu của mình, P. dồn hết cảm xúc vào đôi bàn tay, nắm chặt vào nhau đến méo mó. Lời xin lỗi cũng vì vậy mà chữ rõ chữ không. Trước nhiều câu hỏi của hội đồng xét xử, P. im lặng không trả lời. Nói chính xác hơn, P. không biết trả lời như thế nào, bởi kiểu gì anh ta cũng là đứa con bất hiếu. Cho nên khi nhắc đến mẹ, đôi mắt lờ đờ của P. cứ xoáy sâu vào vệt sáng lọt vào pháp đình...
Nội dung cáo trạng không dài, nhưng những từ trong đó chứa đựng rất nhiều đau thương. Tối 10-8-2023, cơ quan công an nhận tin báo của người dân về việc T.V.P đánh đập, hành hạ mẹ ruột. Cụ thể, T.V.P lớn tiếng chửi bới, dùng tay đánh đập, cầm dép nhựa đánh vào đầu mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Nguyên do, P. mua cháo về nhưng mẹ ốm yếu, khó ăn, không chịu ăn. Vì vậy, P. bực tức… Hậu quả, người mẹ bị P. đánh sưng mặt, đầu và nhiều thương tích phần mềm trên cơ thể.
Với những hành vi trên, T.V.P bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù. Sau phiên xét xử sơ thẩm, P. kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, P. bất ngờ xin rút đơn kháng cáo nên hội đồng xét xử đình chỉ xét xử vụ án, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Những người dự khán không rõ vì lý do gì P. rút đơn kháng cáo, chỉ biết anh ta sẽ phải mang bản án “bất hiếu” hết cuộc đời này. Nhiều người thầm nghĩ, có lẽ bản án vô hình còn nặng hơn bản án hữu hình đã khiến P. thay đổi ý định kháng cao ngay khi phiên tòa phúc thẩm vừa diễn ra.
Theo hội đồng xét xử phúc thẩm, tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt P. 2 năm 6 tháng tù, căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 185 Bộ luật Hình sự. Ở đây, mẹ P. là người già yếu, nên bản án hoàn toàn có căn cứ. Nhận định hành vi hành hạ cha mẹ già là bất hiếu, hội đồng xét xử sơ thẩm đã xét xử đúng người đúng tội, mức án chỉ cao hơn mức tối thiểu của khung hình phạt từ 2-5 năm tù. Trong khi đó, cha đã mất, P. phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già 82 tuổi. Trong trường hợp này, người mẹ không ăn uống được, P. phải dỗ, chứ không được đánh đập, hành hạ, đó là hành vi mà xã hội không thể chấp nhận được…
2 năm 6 tháng để trả giá cho hành vi bất hiếu của bản thân thực ra đối với P. không dài. Nhưng ngần ấy thời gian đối với người mẹ đang ở bên kia sườn dốc cuộc đời thực sự là quá dài… Ai cũng hiểu bổn phận của con cái là hiếu thảo, vậy nhưng trong cuộc sống hằng vẫn còn những trường hợp con cái bất hiếu với cha mẹ.
Cánh cửa pháp đình khép lại, bản án dành cho P. có hiệu lực, đâu đó phát ra câu nói: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe con”. Một thông điệp tuy nhẹ nhàng nhưng thấm thía, ai trong chúng ta khi nghe câu này đều cảm thấy thương cha mẹ vô cùng. Vì vậy, những ai còn cha, còn mẹ xin hãy trân trọng những điều quý giá mình đang có, đừng làm đau lòng các đấng sinh thành dù chỉ là một điều gì đó rất nhỏ.
TRÍ DŨNG