Pháp luật
Không chịu quay đầu
6 lần đứng trước vành móng ngựa, nhận tổng cộng 18 năm 6 tháng tù và 2 lần bị đưa đi cai nghiện bắt buộc với thời gian 2 năm 6 tháng, nhưng L.V.S.N (SN 1975, quận Sơn Trà) vẫn không chịu “quay đầu”. Vì vậy, mẹ già và người thân không dám tin vào lời hứa sửa chữa sai lầm mà N. nói ra sau mỗi lần phạm tội...
Ở tuổi 49, phần lớn bạn bè đã con cháu đề huề nhưng với N. cái gì cũng không. Không nghề nghiệp, không vợ con, không tài sản, nhưng riêng sự “nổi tiếng” thì lại có thừa. Ngặt nỗi, N. càng “nổi tiếng” bao nhiêu thì mẹ già, người thân lại càng xấu hổ và đau lòng bấy nhiêu. 16 tuổi, N. đã phải vào trại giam để thi hành án vì sự tham lam của bản thân. Không biết N. nghĩ gì, chỉ biết sau lần đó lý lịch xấu của anh ta ngày một đen và dày lên...
Càng lớn, N. càng sống buông thả. Những lời cha mẹ, người thân khuyên đối với N. chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”. N. trượt dài từ sai lầm này đến sai lầm khác. Lần ra tòa thứ 7 này là minh chứng cho điều đó. Vụ án “Cố ý làm hư hỏng tài sản” có 2 bị cáo, cáo trạng dài chưa đầy 6 trang, nhưng hơn 1 trang thể hiện lý lịch “đen” của N. Nhiều người nói N. là người không có lương tâm và đối xử quá tệ với mẹ già. Bởi hết lần này đến lần khác, N. xin lỗi và hứa hẹn là lần cuối nhưng rồi lại tái phạm...
Ngày 9-9-2023, L.V.S.N nhận được cuộc gọi từ N.T.N (SN 1978, trú tại Hoa Kỳ), kể về việc mình có mâu thuẫn thù ghét với chị Đ.T.L (SN 1990, quận Sơn Trà). N.T.N nhờ L.V.S.N đập phá ô-tô của chị L. để trả thù. Ngày 10-9, N.T.N liên hệ và gửi hình ảnh ô-tô của chị L. cho L.V.S.N. Đến chiều 16-9, L.V.S.N đi mua 2 bình xịt sơn màu đen và trắng đem về cất giấu, rồi gọi cho N.Q.N (SN 1995, quận Cẩm Lệ) qua nhà mình ăn tối và bàn chuyện xịt sơn, đập phá xe của chị L. giúp N.T.N. Đến khoảng 2 giờ ngày 17-9, L.V.S.N và N.Q.N đến xịt sơn lên ô-tô của chị L. đang đậu trên vỉa hè. Sau đó, L.V.S.N gọi điện cho N.T.N thông báo đã hoàn thành việc xịt sơn lên ô-tô của chị L. Tuy nhiên, N.TN không đồng ý mà yêu cầu L.V.S.N phải đập phá chiếc xe...
Nhận lời, L.V.S.N lấy búa đưa cho N.Q.N rồi cả hai quay lại để đập phá ô-tô của chị L. Sau đó, L.V.S.N liên hệ qua messenger với N.T.N để đòi tiền công 10 triệu đồng. Nhận tiền từ người thân của N.T.N, L.V.S.N chia cho N.Q.N 5 triệu đồng...
Tại tòa L.V.S.N cho biết, N.T.N và mình là chị em con cô cậu. Sau khi nghe chị N.T.N trình bày sự việc mâu thuẫn với chị L., đồng thời được hứa hẹn cho tiền nên bản thân không suy nghĩ nhiều mà đã thực hiện hành vi phạm tội. Theo lời L.V.S.N, bị cáo phạm tội là vì tham tiền và vì quá tin tưởng vào lời của N.T.N, rằng chiếc xe này có tiền của N.T.N trong đó.
Theo hội đồng xét xử, L.V.S.N phạm tội với tình tiết hai lần trở lên. Bị cáo có nhân thân xấu với 6 lần vào tù về các tội “Trộm cắp tài sản”, “Cố ý gây thương tích”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, và hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy” bị bắt buộc đi cai nghiện. Cũng như những phiên tòa khác, lần này N. lại tiếp tục nói lời xin lỗi và hứa sẽ sửa chữa lỗi lầm. Không nói ra, nhưng có lẽ đối với người thân lời xin lỗi của N. họ đã nghe đến nhàm tai. Đến mức, họ phải hoài nghi rằng không biết đến bao giờ, N. mới có một “lần cuối” đúng nghĩa…
Như vậy, chỉ vì tham tiền và hám lợi trước mắt, N.Q.N mất 4 năm để sửa sai trong nhà tù. Riêng L.V.S.N phải mất thêm 4 năm 6 tháng để biết được đây có đúng là lời xin lỗi cho lần phạm tội cuối cùng như bản thân bị cáo hứa hẹn với người thân lúc vãn tòa hay không.
TRÍ DŨNG