Pháp luật
Người mẹ lạc lối
Chỉ vì không thể vượt qua những khó khăn trước mắt, L.T.C.C (SN 1994, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã đẩy khoảng cách giữa bản thân là người mẹ và hai con ngày càng ra xa. Cái giá của lừa gạt không gì khác ngoài việc C. phải chịu sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật, chấp nhận tháng ngày dài xa cách các con.
L.T.C.C xuất hiện tại phiên tòa sơ thẩm trong trang phục bắt mắt. Trong lúc ngồi đợi tại hàng ghế dành cho bị cáo, C. nhìn xa xăm, ứa nước mắt. Hoàn thành các cấp học, C. chọn Đà Nẵng làm nơi dừng chân và lập gia đình. Đứa con đầu lòng ra đời khiến cho mái ấm nhỏ của C. thêm rộn ràng tiếng cười. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, biến cố lại ập đến với C. Gia đình C. bắt đầu chật vật với miếng cơm, manh áo. Khó khăn ngày càng chất chồng khi C. hạ sinh đứa con thứ hai. Từ sự thiếu thốn và bất đồng về quan điểm khiến vợ chồng C. liên tục “cơm không lành, canh không ngọt”, buộc phải ra tòa ly hôn…
Cũng chính từ đây, C. không thể giữ mình, lạc lối vào con đường đen tối. Để có tiền chi tiêu cuộc sống, C. vay mượn khắp nơi. Nợ nần chồng chất và thiếu trước hụt sau, C. bước vào hành trình lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Từ ngày 25-6 đến ngày 20-9-2023, C. liên hệ công ty do anh T.V.L (SN 1979, quận Sơn Trà) làm quản lý lần lượt thuê 3 ô-tô. Sau đó, C. lên mạng đặt làm 3 giấy đăng ký ô-tô giả mang tên mình. C. đem xe và 3 giấy tờ giả đến cầm cố cho anh P.C.T (SN 1974, Đà Nẵng) lấy hơn 790 triệu đồng. Qua định giá, 3 ô-tô của anh T.V.L có giá trị hơn 1,5 tỷ đồng.
Khi chủ tọa phiên tòa hỏi về động cơ gây án, C. chậm rãi trả lời: “Sau khi ly hôn, bị cáo gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do cần tiền trả nợ và chăm lo cho các con nên bị cáo mới làm liều”. C. tự nhận mình là một người mẹ “không ra gì”. Đáng ra, C. phải trân trọng những gì đã có, bây giờ ngoảnh lại, mọi thứ đi quá xa, cô ân hận vì đánh mất rất nhiều thứ quý giá trong cuộc sống. Cô tự trách bản thân là một người mẹ tồi, đã cướp mất hạnh phúc, sự bình yên của con thơ. “Chỉ vì sai lầm của bản thân, bị cáo đã mất tất cả. Cướp đi tuổi thơ đáng có được hạnh phúc của các con”, C. giải bày. Chủ tọa lên tiếng: “Bây giờ bị cáo mới nghĩ đến con cái thì có muộn màng không? Giá trước khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo chịu suy nghĩ thấu đáo hậu quả thì đâu có cớ sự như hôm nay”.
Có lẽ do cuộc sống chật vật và phải suy nghĩ nhiều về cách đối phó với chủ nợ cũng như vạch ra những thủ đoạn để lừa dối người khác nên nhìn C. già hơn so với tuổi. Suốt phiên tòa, đôi mắt C. đượm buồn, chỉ ngước nhìn khi trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử. “Bị cáo đã biết lỗi và rất ăn năn hối hận. Mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời và sớm trở về chăm lo cho các con thơ dại. Bị cáo hy vọng người khác không vì cuộc sống khó khăn, thiếu thốn mà làm những việc phạm pháp, tự đẩy bản thân vào cảnh tù tội, con cái bơ vơ, thiếu vòng tay chăm sóc của người mẹ”, C. chậm rãi nói lời sau cùng.
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, Tòa án nhân dân thành phố tuyên phạt bị cáo L.T.C.C 11 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 2 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. 13 năm để trả giá cho sai lầm của bản thân thực ra đối với C. là xứng đáng, nhưng ngần ấy thời gian đối với con thơ thực sự quá dài. Việc C. vướng vòng lao lý, chắc chắn sẽ khiến hai đứa trẻ mới lên 3, lên 7 phải chật vật, khốn khó trong cuộc sống phía trước. Trưa đứng bóng, C. lảo đảo bước đi như người mất hồn, lê từng bước chân nặng nhọc rời khỏi pháp đình trở về trại giam.
TRÍ DŨNG