Pháp luật
Nhiều bị cáo vụ chuyến bay giải cứu nghẹn ngào tự bào chữa
Trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2, nhiều luật sư, bị cáo không tranh luận về tội danh, mà đề nghị tòa xem hoàn cảnh, bối cảnh phạm tội.
Các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2. Ảnh: Q.Việt |
Hôm nay (ngày 25-12) - ngày thứ hai phiên tòa xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu, TAND Hà Nội để luật sư, bị cáo bào chữa, tranh luận với quan điểm của đại diện Viện KSND Hà Nội về tội danh cũng như hình phạt.
Phần bào chữa của các luật sư không tranh cãi về tội danh quy kết mà chủ yếu tập trung vào các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo như: Khắc phục thêm hậu quả, có nhiều thành tích trong công tác, từ thiện, nhân thân.
Từ đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét cho thân chủ, bị cáo hưởng mức án thấp hơn đề nghị của cơ quan công tố.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Quốc Thắng - Giám đốc Công ty TNHH PNR, bị Viện KSND đề nghị mức án 2-3 năm tù tội "Đưa hối lộ", có hai luật sư là bà Đỗ Ánh Tuyết và Trịnh Văn Tuyến.
Thân chủ của hai luật sư bị cáo buộc đã chuyển hơn 3,4 tỉ đồng cho những người khác để đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên (bị án đã xét xử giai đoạn 1) nhằm để có được văn bản chấp thuận cho 345 công dân về nước, hưởng lợi hơn 832 triệu đồng.
Bà Tuyết cho hay, thân chủ phải ra tòa hôm nay một phần do sức ép, nhu cầu rất lớn của công dân ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Thời điểm thực hiện hành vi giúp sức đưa hối lộ, bị cáo không hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là sai trái, phạm pháp.
Bà Tuyết đề nghị HĐXX và đại diện Viện KSND xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa về tính chất, mức độ trong hành vi giúp sức của bị cáo Thắng, đặc biệt là tính công bằng giữa các bị cáo trong nhóm tội “Đưa hối lộ”.
Trong khi đó, luật sư Trịnh Văn Tuyến cho rằng, thân chủ giữ vai trò thứ yếu, không đáng kể, phạm tội giản đơn. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét một phần công lao của bị cáo trong việc đưa được 345 người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong thời điểm dịch bệnh; xem xét tương quan giữa số tiền đưa hối lộ và số tiền hưởng lợi so với các bị cáo khác.
Trong khi đó, khi tự bào chữa, nhiều bị cáo đã khóc khi nói về hành vi sai trái của bản thân.
Bị cáo Trần Thị Quyên - Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt, bị đề nghị 2-3 năm tội "Đưa hối lộ", nghẹn ngào cho hay, sau khi được Trần Tùng - cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên - giao nhiệm vụ thực hiện công tác cách ly, bản thân cũng không ngại nguy hiểm, gian khó trực tiếp làm công tác này, đôi khi còn tiếp xúc với cả những người trực tiếp gặp bệnh nhân mắc Covid-19.
Nêu ra hoàn cảnh chồng mới qua đời năm ngoái, phải một mình nuôi các con nhỏ, gia đình nghèo, bố mẹ già yếu, bị cáo Quyên mong được hưởng sự khoan hồng nhất của pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Cương - cựu Trưởng phòng Thương mại Điện tử, Công ty Cổ phần thương mại hàng không Vietjet - bị đề nghị từ 3-4 năm tù về tội "Đưa hối lộ", khóc nấc và trình bày không rõ tiếng.
“Vì sai lầm mà ngày hôm nay phải đứng và trả giá tại đây”, bị cáo nghẹn giọng. Bị cáo mong muốn mình sớm có cơ hội trở lại, lấy bản thân mình làm tấm gương căn dặn cho thế hệ sau phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật.
Tương tự tội danh và mức án như bị cáo Cương, Vũ Hồng Quang - cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) - cho hay, sau khi biết bản thân phạm tội đã rất sốc, không chỉ với bản thân mà còn cả gia đình. Sau hơn 2 năm bị tạm giam, bị cáo rất thấm thía về những sai lầm của bản thân nên mong được giảm nhẹ.
Theo laodong.vn