.

Loạn lò luyện thi

.

Không được cấp phép, nhưng hàng trăm lò luyện thi trên địa bàn Đà Nẵng vẫn công khai mở lớp, chiêu sinh. Cơ sở vật chất không bảo đảm, đội ngũ giáo viên và chất lượng đào tạo thì “có trời mới biết”.

Vô tư hoạt động không phép

Ở đường Phạm Như Xương (quận Liên Chiểu), các “lò” luyện thi ĐH chui, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất đang vô tư hoạt động.  TRONG ẢNH: “Lò” luyện thi ĐH chui Trường Hiền Lương.

Mặc dù không được Sở GD-ĐT cấp giấy phép dạy thêm, học thêm, nhưng suốt mấy năm qua, Trung tâm luyện thi ĐH, CĐ Trí Đức, số 32/2 đường Núi Thành (quận Hải Châu) vẫn ngang nhiên tổ chức dạy thêm, học thêm. Hiện trung tâm có 5 phòng học với sức chứa khoảng 1.000 học viên luyện thi ĐH và 300 học viên ôn tập văn hóa bậc THCS và THPT. Số lượng học viên nhiều, phòng học ít, nên thời gian hoạt động hằng ngày của trung tâm bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 21 giờ đêm.

Bài giảng cho học viên được người dạy thực hiện thông qua hệ thống loa phóng thanh, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu vực. Bức xúc, đã có lần nhân dân kiến nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng can thiệp, xử lý. Tuy nhiên, đến nay, mọi chuyện vẫn không chuyển biến.

Đề cập đến giấy phép dạy thêm, học thêm, ông Đặng Công Hùng, chủ Trung tâm luyện thi ĐH, CĐ Trí Đức cho biết, trung tâm đã được Sở KH-ĐT cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, nên không cần có giấy phép dạy thêm, học thêm của Sở GD-ĐT nữa (?).

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 3201002031, do Sở KH-ĐT cấp cho ông Đặng Công Hùng vào ngày 14-8-2007, chỉ có những nội dung: “Tên doanh nghiệp: Doanh nghiệp TN Đặng Công Hùng-Trí Đức. Ngành, nghề kinh doanh: Giáo dục đáp ứng nhu cầu người học. Kinh doanh vận chuyển khách theo hợp đồng”.

Trong khi đó, tại Quyết định số 38/2007/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành ngày 11-7-2007 quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố, việc cấp phép dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường đối với cấp THPT, do Sở GD-ĐT thực hiện.

Tại địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) hiện có 5 Trung tâm luyện thi ĐH, CĐ hoạt động không giấy phép, gồm: Trung tâm luyện thi chất lượng cao ĐH Sư phạm; Trung tâm gia sư, bồi dưỡng kiến thức và luyện thi ĐH chất lượng cao Khoa Học; Trung tâm luyện thi ĐH chất lượng cao Trường Hiền Lương và hai Trung tâm luyện thi ĐH không tên khác nằm trong hẻm giáp với đường Tôn Đức Thắng. Ở các “lò” luyện thi này, phòng học được bố trí chung với nhà ở, chật chội, thiếu ánh sáng, nóng bức, bàn ghế không đúng chuẩn.

Trên địa bàn các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… các lò luyện thi ĐH chui cũng hoạt động sôi nổi với cơ sở vật chất chẳng khá hơn.

Quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo

Để thu hút được nhiều học viên ngoại tỉnh đến ôn thi, trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ các lò luyện thường tung những chiêu quảng cáo như: Trung tâm có kinh nghiệm luyện thi ĐH nhiều năm; đội ngũ giảng viên ĐH, giáo viên giỏi các trường THPT trực tiếp giảng dạy; bảo đảm thí sinh đỗ đại học trên 95%; thi đậu mới thu học phí, trượt không thu học phí…

Nhân viên của Trung tâm gia sư, bồi dưỡng kiến thức và luyện thi ĐH chất lượng cao Khoa Học cho hay, đội ngũ giáo viên ở đây chủ yếu là sinh viên đang học tại các ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa… Tương tự, ông chủ Trung tâm luyện thi ĐH chất lượng cao Trường Hiền Lương cũng cho biết, ông mướn nhà ở đường Phạm Như Xương và thuê sinh viên ở các trường ĐH đến giảng dạy!

Em H. quê ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) kể về chuyện đi luyện thi: do trượt ĐH một năm, từ sau Tết Nguyên đán, H. xin gia đình ra Đà Nẵng thuê nhà ở trọ luyện thi. Sau một hồi đắn đo vì thấy các Trung tâm luyện thi quảng cáo nơi nào chất lượng dạy học cũng tốt, đội ngũ giáo viên cũng giỏi, em chọn một trung tâm nằm trên địa bàn quận Hải Châu. Một tuần trôi qua, H. mới “té ngửa” vì giáo viên dạy nhàn nhạt, tài liệu ôn (do giáo viên biên soạn) khó hiểu. Cắn răng chịu mất 300 nghìn tiền mua phiếu luyện thi cho ba môn học đã đóng trước đó, H. bỏ của chạy lấy người.

Với suy nghĩ, các lò mang “mác” của các trường ĐH sẽ có uy tín và chất lượng giảng dạy tốt, nhiều học viên đã đổ xô đến đây luyện thi. Song, kết quả là: “Bọn em nghe người của trung tâm giới thiệu giảng viên của trường này, trường kia, chứ thú thật chẳng biết chính xác mấy thầy cô đó có đúng là giảng viên đang dạy ĐH hay không”.

Qua tìm hiểu thực trạng dạy học ở Trung tâm luyện thi chất lượng cao ĐH Sư phạm, chúng tôi ghi nhận: Căn phòng của trung tâm rộng khoảng hơn 30m2 nhưng “nhốt” hơn 60 học viên. Bên trong, giáo viên giảng bài, ngoài đường, các loại xe máy, ô-tô chạy liên tục. Học viên tên T. than thở: “Thời tiết nóng hầm hập, xe cộ ồn ào, nhiều hôm đi học mà em chẳng nghe thầy giảng được gì. Nhưng lỡ đóng tiền học rồi, nên phải theo cho hết khóa.

Ông Huỳnh Hưng, Phó Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT nhận xét, các lò luyện thi hoạt động chui thuê mướn giáo viên và sinh viên từ nhiều nơi để tổ chức giảng dạy. Do họ hoạt động chui, nên trình độ của người dạy thế nào, chất lượng dạy học ra sao, không thể biết được.

Ai quản lý?

Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở GD-ĐT xác nhận, tình trạng các “lò” không phép hoạt động chui trên địa bàn là có thật. Ông cho biết, theo quy định, sau khi được Sở KH-ĐT cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, các chủ “lò” luyện thi phải đến Sở GD-ĐT đề nghị cấp giấy phép dạy thêm, học thêm. Nhưng đằng này, các chủ “lò” luyện thi không làm thủ tục đề nghị Sở GD-ĐT cấp giấy phép, mà ngang nhiên tổ chức dạy thêm, học thêm là sai trái. Do họ hoạt động không khai báo, nên Sở GD-ĐT không thể quản lý hết được, trong đó, còn có trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương nơi có lò luyện thi đang hoạt động chui.

Một lãnh đạo UBND phường (xin giấu tên) lại cho rằng, chính quyền địa phương không có quyền kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm ở các “lò” luyện thi. Nếu trường hợp, các “lò” luyện thi hoạt động gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực, phường mới xử lý.

Theo quy định, việc dạy thêm, học thêm của các tổ chức, cá nhân phải bảo đảm quyền lợi của người học. Nhưng xem ra, quyền lợi của người học tại các “lò” luyện thi chui hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang bị các cơ quan chức năng thả nổi!

Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng mới chỉ cấp phép cho 5 Trung tâm luyện thi ĐH hoạt động, gồm: Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và luyện thi ĐH Kính Vạn Hoa; Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và luyện thi ĐH Minh Tân; Trung tâm bồi dưỡng văn hoá, luyện thi ĐH Thành Đạt; Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi Nguyễn Hoàng; Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và luyện thi Trần Cao Vân.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, những lò luyện thi ĐH khác hiện đang tồn tại trên địa bàn thành phố đang hoạt động chui.


Phương Chi

;
.
.
.
.
.