.

M.U và “bài học Tevez”?

.

Bất chấp Sir Alex liên tục trong 2 tuần bay đến miền nam nước Pháp - nơi Carlos Tevez đang nghỉ hè - để “mong muốn Carlos suy nghĩ lại” nhưng câu trả lời của chân sút người Argentina này là, anh đã lên kế hoạch chia tay với nhà vô địch Premier League.

Đã qua rồi thời vui vẻ!

Cũng dễ hiểu và thông cảm cho nỗi bất bình của Tevez khi anh thường xuyên không nằm trong kế hoạch của M.U lẫn Sir Alex ở những trận đấu quan trọng. Hơn thế nữa, sự lần lữa của Giám đốc Điều hành M.U David Gill trong việc tái ký hợp đồng - trước khi công khai nhấn mạnh, Tevez được “hét giá” quá cao - đã khiến lòng tự trọng của anh bị tổn thương nghiêm trọng.

Không chần chừ, “Man Xanh” đã nhảy vào cuộc đua giành chữ ký của anh với đề nghị tăng mức lương của Tevez lên 75%, tức 140.000 bảng/tuần, đồng thời hứa hẹn anh sẽ là lựa chọn số một. Cùng lúc, Liverpool cũng góp mặt nhưng Manchester City có lợi thế khi họ có thể trả ngay lập tức cho công ty sở hữu Tevez món tiền 25,5 triệu bảng, trong lúc Liverpool chỉ muốn trả góp dựa vào các điều khoản trong hợp đồng của anh.

Hoảng hốt trước việc “cầm vàng mà để vàng rơi”, “Man Đỏ” cho biết sẵn sàng trả 25,5 triệu bảng để giữ chân anh khi chuyển đổi bản hợp đồng cho mượn với thời hạn 2 năm thành hợp đồng biên chế thường xuyên. Song, tất cả đã quá muộn.

Vào tháng 9-2008, chính tiền đạo này đã khiêm tốn lên tiếng về nguyện vọng được phục vụ lâu dài cho M.U: “Ngay từ thời khắc đặt chân tới đây, tôi đã muốn ký một hợp đồng dài hạn”. Vào thời điểm đó, Sir Alex lẫn M.U vẫn đang theo đuổi tiền đạo người Bungary Dimitar Berbatov đang khoác áo Tottenham Hotspurs, với giá 30,75 triệu bảng. Bất chấp Carlos đã thể hiện tuyệt vời trên cả hai phương diện với một phong cách thể thao chuẩn mực và là một tay săn bàn, kiến thiết hiệu quả, M.U vẫn không màng.

Không nản lòng, Tevez vẫn miệt mài cống hiến cho M.U 34 bàn thắng sau 2 mùa “ở trọ” - trong đó, có 15 bàn ở mùa này mà phần lớn được ra sân từ băng ghế dự bị - cho thấy, anh vẫn là một “tay săn bàn” thiện nghệ. Không quan tâm mấy đến thành tích này, Sir Alex rất khiên cưỡng buông lời khen: “Tevez là một cầu thủ vĩ đại và anh đã tạo nên động lực mới cho đội bóng”. Chính sự khiên cưỡng ấy khiến tương lai của Tevez bấp bênh hơn bao giờ hết.

Thái độ của “ông già” được so sánh như người đàn ông đã cưới được vợ nên “mắt ngoài dài hơn mắt trong” và đã không còn quan tâm đến Tevez khi Berbatov xuất hiện. Quả không hề vô lý nếu thấy rằng, số lần xuất hiện trên sân của Tevez trong thành phần chính thức ít hơn rất nhiều so với những “con cưng” khác của Sir Alex như Ronaldo, Rooney, Berbatov, Ryan Giggs hay thậm chí Park Ji-Sung, mặc dù hiệu suất thi đấu của anh không thua kém bất kỳ ai.

Chào nhé, M.U!

 

Và bước ngoặt đã đến khi Ronaldo nằng nặc ra đi. Dẫu vậy, Sir Alex vẫn còn hy vọng tìm đến Ribery (Bayern Munich) hay cầu thủ trẻ Antonio Valencia (Wigan). Thế nhưng, đến lúc các cố vấn của Tevez nhận thấy anh hoàn toàn có thể có được tương lai tốt hơn, được trọng dụng hơn và đặc biệt, có thể thu nhận được lợi nhuận cao hơn khi đến với Man City hay Liverpool, M.U mới hốt hoảng.

Lần này, việc Tevez ra đi như một đòn giáng mạnh vào M.U lẫn Sir Alex và có thể, họ sẽ phải trả giá rất đắt để tìm được một sự thay thế xứng đáng cho những khoảng trống mà cả Ronaldo lẫn Tevez để lại. Thậm chí, mối quan ngại còn lớn hơn nếu Tevez - từng tha thiết muốn ở lại sân Old Trafford - chuyển đến một “đại kình địch” của “Quỷ Đỏ” tại Premier League.

Điều này đồng nghĩa với việc, những “Man Xanh” hay “Lữ đoàn Đỏ” đã có một “điệp viên siêu hạng”. Bởi, “điệp viên” này không chỉ biết khoan thủng khung thành đối phương mà còn hiểu đến tận “chân tơ, kẽ tóc” lối chơi cũng như những chuyện hậu trường của thầy trò Sir Alex. Liệu với M.U lẫn Sir Alex, đã thuộc chăng “bài học Tevez”?

NGUYÊN AN

 

;
.
.
.
.
.