* Em đọc báo thấy nói bệnh phong vì không bào tử nên không lây qua vật chủ trung gian. Vật chủ trung gian có nghĩa là gì? Bệnh có lây qua bắt tay, ôm hôn không? (Trần Diệu Hiền, Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng).
Bắt tay (tay không trầy xước) thì không lây bệnh với người mắc bệnh phong. |
Bệnh phong do một loại trực khuẩn có tên mycobacterium lepra gây ra và bệnh này hầu như chỉ có ở loài người. Trong cơ thể người, vi khuẩn phong chỉ sống được trong tế bào và nó lại sinh sản rất chậm nên có người từ khi tiếp xúc đến khi mắc bệnh phải mất hàng chục năm. Thường thường vi khuẩn từ niêm mạc mũi, dịch tiết ở mũi của người bệnh chưa được điều trị là nguy cơ cho người lành khi hít phải. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập qua vết trầy đứt trên da. Phải có sự tiếp xúc trực tiếp và lâu dài mới có khả năng lây bệnh.
Tuy nhiên, nhờ hệ thống miễn dịch của cơ thể nên chỉ có khoảng 5% số người có ái lực với vi khuẩn này và mắc bệnh mà thôi. Nên bạn lỡ chạm tay vào người bệnh, ngồi ăn chung một lần cũng ít khi lây. Tuy nhiên đi đâu về, trước khi ăn rửa tay sạch thì không chỉ phòng tránh bệnh phong mà còn tránh được rất nhiều bệnh khác.
* Đôi khi tôi thấy miệng đắng hoặc chua, rất khó chịu. Những lúc bị như thế ăn uống không thấy ngon miệng. Cách chữa như thế nào? (Nguyễn Văn Quang, tổ 7 phường Thạch Thang, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Vị lạ trong miệng thực chất là loại triệu chứng sớm, báo trước bệnh tật.
Miệng chua: Cảm giác chua miệng thường hay gặp ở những người viêm dạ dày và viêm loét đường tiêu hóa, liên quan đến sự gia tăng tiết dịch ở dạ dày. Bệnh nhân thường thấy ngực sườn đau tức, đau đầu hoa mắt, bồn chồn, dễ cáu giận, sau khi ăn bụng đầy trướng, đại tiện táo bón, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng mỏng.
Để khắc phục, có thể dùng bài thuốc đông y sau: Hoàng liên 10 g, ngô thù du 10 g, phục linh 10 g, bạch truật 10 g, nhân sâm 6 g, cam thảo 3 g, trần bì 15 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
Miệng mặn: Nếu làm lụng mệt nhọc quá mức, tuổi cao sức yếu hoặc mắc bệnh lâu, thận sẽ bị suy tổn, chất dịch từ đây vọt lên trên khiến miệng có vị mặn (thường kèm theo lưng gối mỏi đau, đầu choáng tai ù, ngực, lòng bàn chân bàn tay nóng, mồ hôi trộm, di tinh, rêu lưỡi ít).
Có thể bổ ích thận âm bằng bài thuốc sau: Tri mẫu 10 g, hoàng bá 10 g, sơn dược 10 g, đan bì 10 g, phục linh 10 g, thục địa 15 g, ngô thù du 12 g, trạch tả 12 g, phụ tử 12 g, nhục quế 8 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
Miệng hôi: Thường liên quan đến 3 tình huống.
- Miệng nóng hôi, chất lưỡi đỏ hay lở loét, hoặc chân răng sưng thũng, kèm theo khát nước, thích uống lạnh, đại tiện táo, nước tiểu vàng. Để khắc phục, cần thanh tả vị hỏa bằng bài thuốc: Đại hoàng 10 g, hoàng cầm 10 g, hoàng liên 5 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
- Miệng hôi có mùi như lên men chua, mùi thức ăn thối rữa, hoặc kèm theo mùi thức ăn sống, chán ăn, rêu lưỡi dày nhớt. Để khắc phục, cần tiêu thực hóa tích bằng bài thuốc: Sơn tra 10 g, thần khúc 12 g, lai phục tử 10 g, trần bì 10 g, bán hạ 10 g, phục linh 10 g, liên kiều 10 g. Sắc uống.
- Bị sâu răng hoặc viêm loét khoang miệng. Có thể sử dụng bài thuốc: Hoàng cầm 10 g, hoắc hương 10 g, thạch cao 10 g, sinh địa 10 g, cam thảo 4 g. Sắc lấy nước ngậm nhiều lần trong ngày.
Miệng đắng: Vị đắng trong miệng thường liên quan đến những rối loạn trong quá trình chuyển hóa dịch mật. Bệnh nhân thường bị đau đầu, choáng váng, chất lưỡi vàng mỏng.
Để khắc phục, cần dùng bài thuốc: Long đảm thảo (sao rượu) 10 g, hoàng cầm (sao rượu) 12 g, chi tử 10 g, mộc thông 10 g, trạch tả 15 g, xa tiền tử 15 g, sinh địa (sao rượu) 15 g, đương quy (sao rượu) 10 g, sài hồ 10 g, cam thảo 5 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
P.M.C.T