Sinh thời, trong những câu chuyện đàn đúm đùa vui với thân hữu và đám hậu sinh, thế nào rồi nhà văn Nguyễn Văn Xuân cũng trở lại quanh quẩn ở đề tài “dinh trấn Thanh Chiêm”, như một nỗi nhớ không rời về miền quê chôn nhau, cắt rốn.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân cùng thân hữu. (Từ trái sang: tác giả bài viết, nhà nghiên cứu Champa Trần Kỳ Phương, nhà văn Nguyễn Văn Xuân). |
Khoảng hơn 10 năm trước, có lần, tôi may mắn được cùng nhà văn Nguyễn Văn Xuân thực hiện một “chuyến du lịch” về làng quê của ông - nơi từng là dinh trấn Thanh Chiêm, một thành lũy tồn tại suốt từ khi vùng đất này thuộc Chiêm cho đến thời thuộc Pháp. Vùng du lịch này xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII, dần dần bị biến mất, rồi đến năm 1946, không còn lưu lại dấu vết đáng kể nào.
Ngay khi ghé vào một quán nhỏ cạnh cầu Câu Lâu, nhà văn Nguyễn Văn Xuân dặn tôi:
- Mỗi nơi đi qua, những cái tôi chỉ, cậu gắng chụp vài bức ảnh, có khi dùng được việc gì đấy. Bởi nay mai, thời gian sẽ còn xóa nhòa đi nhiều thứ...
Con đường làng dẫn vào ngôi nhà của nhà văn Nguyễn Văn Xuân không xa con lộ chính của thị trấn Vĩnh Điện. Cứ mỗi khúc đường, ông lại xuống xe, rủ tôi đi bộ loanh quanh.
Ông nói rằng, khi thủ phủ xứ Quảng Nam thành lập ở làng Thanh Chiêm thì có hai đường giao thông để dẫn xuống Hội An và cửa Đại Chiêm (Cửa Đợi). Con đường quan lộ nay vẫn còn và những ruộng bị đào sâu dọc quan lộ xưa nằm ở cạnh sông Cái, cũng gọi là sông Chợ Củi. Từ thế kỷ XVII, XVIII, sông di chuyển sang phía tây đến địa điểm như hiện nay. Con sông này vào đầu thế kỷ XX được gọi là sông Thu Bồn. Sông Cái rất sâu, rải rác trên đó là các vạn ghe và đồn trại thủy binh của các trấn thủ (giai đoạn đầu cho các con Chúa giữ chức vụ tối cao).
Sông bị di lưu dần ra mặt Tây, nhưng đầu thế kỷ vẫn còn những hói sâu mà người địa phương cho là dù buộc hai cây tre vào nhau vẫn chưa thấu đáy hói. Cạnh đó, mặt tây nam có thiết lập một cái chợ lớn chuyên để bán củi. Ngày xưa, tàu thuyền lớn muốn đi biển đều phải dùng củi và nước. Củi để nấu nướng và nước để uống suốt lộ trình lênh đênh lâu dài trên biển cả. Chợ Củi cũng chính là chợ dành cho thành (thành thị) để buôn bán các thức ăn hằng ngày cho quan quân trấn giữ thành và là chợ lớn nhất của khắp xứ Quảng Nam (từ đèo Hải Vân vào Bình Định, Phú Yên đầu thế kỷ XVII và sau đó mở rộng về phương Nam).
Đứng trước một khuôn viên có dáng vẻ một khu trường học, ông bảo:
- Nơi đây từng có hai cơ sở nổi bật: Văn Thánh thờ đạo Nho (Khổng Tử, Mạnh Tử…) và trường học để dạy sĩ tử học hành, thi cử. Văn Thánh có tường thành vây quanh, có sân trồng hoa trang trọng, có các miếu và đền nguy nga, tráng lệ. Bên phải là miếu Khải Thành thờ cha mẹ Khổng Tử. Ngoài đường cách thành 50m có hai bia “Khuynh cái hạ mã” (Nghiêng lọng xuống ngựa) để tỏ lòng kính trọng nhà–giáo–dục–muôn–đời. Các nhà nho lừng lẫy của tỉnh đều xuất thân tại đây. Hai cơ sở này hoàn toàn có quan hệ về tinh thần nên có thể nói “tuy hai mà một”.
Chợ Củi bị thu hẹp vào một vùng nhỏ hơn. Vì sông Cái tách ra xa hơn nửa cây số, nhưng vẫn tiếp tục sinh hoạt nhờ vào số lượng học sinh và phủ đường Điện Bàn đóng trước Văn Thánh cách một con lộ (nay là quốc lộ) và lập nên phố phủ, tiếp tế cho các quán, hàng ăn, chỗ nghỉ ngơi của các chức việc, làng xã của một phủ lỵ rộng và giàu nhất tỉnh.
Tại ngôi nhà cũ của ông (bấy giờ dường như do người cháu nào đó trong tộc họ lo việc nhang khói), trông thật vắng vẻ, nhưng đó cũng là một trong những ngôi nhà cổ hiếm thấy còn lại ở miền quê này. Ông khẳng định, ngôi nhà cổ của ông có gốc gác từ thời Gia Long, mà hẳn rằng một trong những người vợ Gia Long đã từng sống nơi đây.
Ông bảo, hồi nhỏ, ông vẫn bị ám ảnh mỗi lần nghe nhắc đến các dinh thự, cơ sở văn phòng của Thanh Chiêm lưu lại bằng mấy cái tên. Cái tên thú vị nhất là ở ngoài thành, khu vực ao hồ ở mặt bắc để bảo vệ thành: Ông Súng. Đó là nơi bố trí các súng lớn để chống cự một khi quân Trịnh đánh thành và một cái tên nghiêm trang của chế độ phong kiến:
Hành cung. Kéo dài trên cả 3 cây số, từ làng Thanh Chiêm đến La Qua, hết Chợ Củi đến Văn Thánh và phủ lỵ Điện Bàn rồi đến thành tỉnh, tất cả đều có quy mô khá to lớn, thiết lập từ những thập niên thế kỷ XVI cho thấy đó là vùng xây dựng tiến bộ bậc nhất của một tỉnh lớn, một phủ lớn phân biệt rõ ràng khu văn hóa và khu hành chính quân sự. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp 1946, sợ quân địch lợi dụng nhà cửa, thành quách nên chỉ một thời gian ngắn, tất cả đều thuộc dĩ vãng.
Trong những câu chuyện lan man, khi cùng nhà văn Nguyễn Văn Xuân đi “du lịch quanh làng”, có lúc ông cũng mở rộng ra từ “Thanh Chiêm” đến “Quảng Nam”, nhưng thường xuyên, ông khiến người nghe dễ cảm tưởng, mọi điều phát triển của đất nước đều xuất phát từ miền quê nơi đây, đến mức cực đoan. Thế nhưng, khi nghe ông nhắc đến câu chuyện về "Ngũ phụng tề phi", thì tôi thấy ông lại là một người có tinh thần cầu thị, phóng khoáng. Ông nói:
- Ba tiến sĩ, hai phó bảng cùng đỗ một khoa thi thì cũng đúng là "năm con phượng cùng bay". Nhưng trong việc học, bằng cấp cao đến đâu cũng chỉ đánh dấu sự khởi đầu... Điều quan trọng nhất của việc học hành, chính là đậu để làm gì? Để lập sự nghiệp. Năm nhà đại khoa đó có sự nghiệp chính trị, văn hóa, học thuật nào? Tôi không thấy. Vậy ta nên coi đó là giai thoại giúp cho các bạn trẻ phấn chấn hơn trong việc học hành.
Học giỏi, đậu cao, phụng sự đất nước, có sự nghiệp xứng đáng, lưu danh là điều đáng quý, đáng trân trọng, noi gương. Song "Lục phụng bất tề phi" mới thực sự nêu gương cho người Quảng Nam và Việt Nam để tuổi trẻ biết thế nào là học và hành", bây giờ và cả trường kỳ lịch sử. "Lục phụng bất tề phi" mà ông nói là Phạm Phú Thứ (tiến sĩ), Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu (phó bảng), Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng (tiến sĩ), Phạm Như Xương (Hoàng giáp).
Trong đó, người ít được biết đến nhất là Phạm Như Xương. Người đã bỏ quan để theo Nghĩa hội Quảng Nam rồi sau đó là chỗ dựa bí mật và là cố vấn cho Quang Phục Hội (phong trào Đông Du của Tiểu La và Phan Bội Châu). Nếu nói học thì ông có học vị cao nhất trong lịch sử khoa bảng tỉnh Quảng Nam, còn hành thì ông hành động như một đại trí thức.
Giờ đây, hai năm qua rồi, nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã yên nghỉ trong lòng quê mẹ. Những cảnh quan ở Thanh Chiêm bây giờ trong tương lai sẽ còn nhiều thay đổi. Tuy nhiên, điều may mắn, những khát vọng ấp ủ về chuyến “du lịch quanh làng”, chúng ta vẫn có thể gặp lại nhiều lần trong tác phẩm của ông.
TRẦN TRUNG SÁNG