.

Cứu lấy giá trị văn hóa

.

Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (DSVH) vừa được Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII thông qua, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến DSVH vẫn còn được nhiều chuyên gia trong ngành quan tâm và hy vọng được làm rõ hơn ở những văn bản dưới luật hoặc trong quy định của các tỉnh, thành để những DSVH phát huy hết giá trị…

Các hiện vật của bảo tàng phải kể câu chuyện của nó

Triển lãm “Đường 9-cơ hội và thách thức” tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội tháng 6-2009. (Ảnh V.Lan)

Điều 47, Mục Bảo tàng của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật DSVH (sau đây gọi tắt là Luật Sửa đổi) khẳng định: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân”, vô hình trung đã xem bảo tàng chỉ là nơi trưng bày các bộ sưu tập hiện vật. Điều này được xem là khá lạc hậu so với nhận thức về bảo tàng trên thế giới, nếu nó chỉ thực hiện hai nhiệm vụ là “bảo quản, trưng bày”.

Thời kỳ ban đầu, bảo tàng chỉ là nơi cất giữ và trưng bày, tiếp đến bảo tàng trở thành cơ quan nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực chuyên ngành (như lịch sử quân sự, mỹ thuật, dân tộc học, địa chất, tự nhiên...). Những năm cuối thế kỷ 20 cho đến nay chức năng giáo dục được đề cao đối với các bảo tàng.

Phần lớn các bảo tàng trong nước được trưng bày một cách buồn tẻ, khô cứng, thiếu sức sống, kỹ thuật lạc hậu, vắng khách tham quan. Theo các chuyên viên ở Bảo tàng Đà Nẵng, các bảo tàng ngày nay không phải chỉ thiên về lịch sử mà nó còn có những cái nhìn đương đại, qua đó có thể đưa ra những dự báo tương lai. Như với một bảo tàng mỹ thuật thì không phải chỉ có trưng bày về lịch sử mỹ thuật mà cần cả trưng bày về mỹ thuật đương đại…

Điều 48 Luật Sửa đổi cũng chỉ nói đến nhiệm vụ “sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày” mà không thấy đề cập đến hoạt động trình diễn và biểu diễn ở bảo tàng. Hiện nay những hoạt động trình diễn này được xem là hấp dẫn, gây sức hút lớn với công chúng và có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa.

Tại triển lãm chuyên đề “Trường Sơn huyền thoại” được tổ chức ở Bảo tàng Đà Nẵng mới đây, nhà tổ chức đã mời một số nhân chứng hơn 30 năm trước đã từng công tác trên tuyến đường Trường Sơn đến nói chuyện với công chúng. Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Đà Nẵng có hoạt động bên lề triển lãm và đã tạo được sức hút đối với người xem. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ diễn ra một buổi, lại không được thông báo rộng rãi nên chưa tạo được tiếng vang.

Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội nhiều năm nay đã đi theo hướng trình diễn các trò chơi dân gian như múa rối nước, biểu diễn cồng chiêng; các mô hình được làm theo kích thước 1/1 giúp người xem có thể cảm nhận rõ hơn về vật thể trưng bày, tức đặt các hiện vật vào đúng không gian văn hóa của mỗi thể loại, để chúng kể câu chuyện về chính mình theo nguyên tắc mà các bảo tàng trên thế giới hiện đang làm. Có tiếp cận mới như vậy các bảo tàng mới có sức sống, mới lôi cuốn được công chúng đến xem vì nó thiết thực với họ.

Trùng tu: có cần làm mới di tích?

Tại Bảo tàng Đà Nẵng đông đảo khách xem triển lãm chuyên đề “Trường Sơn huyền thoại”. (Ảnh: V.Nở)

 

Theo ông Lê Xuân Thông, chuyên viên Phòng Quản lý di sản (Bảo tàng Đà Nẵng), với một di tích, trước khi trùng tu cần nghiên cứu các vấn đề sau: nhân lực nghiên cứu di tích (kỹ sư, họa sĩ, khảo cổ, môi trường, các nhà nghiên cứu văn hóa); trước khi hạ giải di tích cần công bố hồ sơ xem di tích thuộc niên đại nào, môi trường ra sao… Việc làm này cần kỹ lưỡng, chuẩn xác để khi hạ giải đã có trong tay những thông số về di tích, và khi trùng tu sẽ cho một kết quả xác đáng, không làm sai hiện trạng của di tích.

Nhưng thực tế hiện nay việc khảo sát trước khi hạ giải không có sự tham gia của nhà nghiên cứu văn hóa, kinh phí không đầy đủ, dẫn đến quá trình trùng tu dễ chắp vá… Các nhà khoa học đều có chung một quan điểm trong trùng tu là chỉ sửa chữa di tích ở những phần bị hư hỏng nặng, giữ lại yếu tố gốc. Nhưng những người trực tiếp quản lý di tích, gắn bó với di tích trong cộng đồng (chủ yếu là những người cao tuổi) lại có quan điểm trái ngược:
 
họ muốn thay mới vật liệu trong quá trình trùng tu. Và theo ông Hồ Tấn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL Đà Nẵng), lúc đó các nhà quản lý và những người nắm giữ di tích phải ngồi lại với nhau để có một kết quả thống nhất, và phải thuyết phục làm sao để các cụ có thể hiểu hết quan điểm khoa học của nhà nghiên cứu.

GS. KTS Hoàng Đạo Kính đã từng nhấn mạnh về quan điểm, giải pháp bảo tồn cụ thể các kiến trúc (tại Hội thảo quốc tế chủ đề “Bảo tồn quá khứ - một triển vọng về tính xác thực trong việc gia cố, trùng tu và tôn tạo các di tích lịch sử khu vực châu Á - Thái Bình Dương” tổ chức ở Hội An năm 2001) gồm 3 mục đích là: nghiên cứu, khảo sát - khảo cổ và trùng tu. Mà nghiên cứu, khảo sát, khảo cổ là tăng cường sự hiểu biết để phục vụ cho công tác tu bổ.

Ông nhấn mạnh về phương pháp chính để giữ gìn, bảo vệ các kiến trúc là gia cố, hạn chế phục chế, phục dựng có thể phục hồi từng phần và đừng tạo ra sự hiểu nhầm về thành phần gốc (cũ) và thành phần xây gia cố (mới). Và các nhà cổ ở Hội An do tổ chức JICA (Nhật) tài trợ khi trùng tu đã áp dụng triệt để phương pháp này.

Tuy nhiên, những vấn đề này không được nhắc đến trong Luật Sửa đổi. Theo ông Lê Xuân Thông thì các di tích ở Đà Nẵng khi trùng tu cơ bản đã không bị phá hủy. Cho đến nay thành phố vẫn đang áp dụng quy định về quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, sắp tới khi Luật Sửa đổi của Luật DSVH được áp dụng, có lẽ cần chỉnh sửa những quy định, quyết định này để cứu kịp thời những giá trị văn hóa vật thể trước khi chúng xuống cấp và hư hại theo thời gian.

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.